Thủ tướng: Bổ sung thêm kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ cho đồng bào miền Trung
Chiều ngày 1/11, tại buổi làm việc với với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý bổ sung thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, chỉ trong một thời gian ngắn, đồng bào miền Trung phải hứng chịu 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Chia sẻ với những mất mát của các tỉnh miền Trung, Thủ tướng bày tỏ, khó khăn phía trước còn nhiều. Đảng, Nhà nước tin tưởng người dân miền Trung anh hùng sẽ vượt lên để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Với địa hình, địa chất, từ ngàn đời nay, miền Trung cần học cách sống chung với bão lũ, “chúng ta phải sẵn sàng thích ứng phù hợp để giảm thiểu thiệt hại, tìm mọi biện pháp thích ứng với thiên nhiên”.
Về các biện pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm thông suốt giao thông, quốc lộ thì Bộ Giao thông vận tải phải lo, tỉnh lộ thì tỉnh phải lo…
Đối với tuyến đường vào Phước Lộc, Thủ tướng nhất trí giao Quân khu 5 khảo sát, báo cáo Chính phủ, Bộ Quốc phòng sớm xử lý, không để tuyến này bị tắc hoàn toàn.
Vấn đề nữa mà “chúng ta rất day dứt” là phải tìm mọi biện pháp cứu người còn mất tích ở Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bình Định. Đồng thời tích cực điều trị người bị thương. Phải tiếp tục chăm sóc gia đình bị nạn kịp thời hơn nữa, “những người vợ, người con ngóng chồng, ngóng cha đi biển về, rất tang thương”.
Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị phải lo vấn đề này, để người dân bớt khổ đau hơn. Không được để người dân lâm cảnh màn trời, chiếu đất, đói cơm lạt muối, bệnh tật sau lũ. Chính vì thế, việc hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương đến người dân kịp thời, liên tục. Vận động mọi biện pháp để học sinh trở lại trường, có sách vở học tập.
Các địa phương tiếp nhận các nguồn viện trợ công khai, minh bạch, thuận lợi, có tiền đến đâu hỗ trợ cho người dân nhanh đến đó. “Nhân đây chúng tôi cũng hoan nghênh tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm đến từ các địa phương”, Thủ tướng nói.
Đặc biệt hệ thống chính trị, đơn vị quân đội, công an vận động làm lại nhà ở cho dân tốt hơn.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai lực lượng, phương tiện, kể cả máy bay trực thăng, tàu thủy… để hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ, tăng nguồn nhân lực, nhất là nhiệm vụ này trong Quân khu 5, Quân khu 4.
Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, sản xuất công nghiệp, cung ứng đủ hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, vật liệu, sửa chữa nhà cửa, đặc biệt kiểm soát tốt giá cả thị trường.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo chuẩn bị giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất.
Thủ tướng đồng ý đề xuất bổ sung gạo hỗ trợ cho các tỉnh, lưu ý gạo phải đưa đến dân, đúng đối tượng; đồng thời nhất trí hỗ trợ thêm kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, trong đó có khoản hỗ trợ nhà sập, hư hỏng nặng cho người dân. Tuy nhiên, cần thống kê chính sách, bảo đảm công bằng cho người dân.
Trước những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định bảo đảm đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Đối với tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, Bộ trưởng đã liên lạc với các doanh nghiệp lớn để cân đối, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, đã xuất cấp xong số lượng gạo hỗ trợ cho các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ đã đề xuất mức hỗ trợ cho người dân bị sập nhà, hư hỏng nhà do bão lũ, với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng đối với mỗi hộ bị sập nhà, 10 triệu với nhà bị tốc mái, đồng thời đề nghị các tỉnh rà soát một cách chặt chẽ, chính xác, công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ tổ chức đoàn công tác đi khảo sát tại các tỉnh miền Trung, rà soát, bổ sung quy định về quy hoạch, lựa chọn địa điểm xây dựng công trình. Tán thành với đề xuất của Bộ Tài chính về hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sập, hư hỏng nặng, Bộ trưởng cho biết, chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.244 hộ nghèo (chương trình 48). Hiện chưa có căn nhà nào thuộc chương trình 48 bị sập đổ, hư hỏng nặng trong đợt mưa lũ vừa qua. Bộ trưởng đề xuất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình này với mức hỗ trợ đang áp dụng 12 triệu đồng/hộ.
Cho rằng hệ thống giao thông chịu thiệt hại lớn do bão lũ, “đường ách tắc ảnh ưởng đến kinh tế, đời sống nhân dân rất lớn”, Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết, Bộ sẽ ứng 500 tỷ đồng dành cho khắc phục giao thông ở các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với trường hợp các cháu mất cha mẹ, người thân, các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước cũng hoàn toàn có thể đảm nhận được, không để các cháu không có nơi nương tựa, nuôi dưỡng.
Đánh giá cao công tác sơ tán dân tránh bão, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, để người dân tự giác di dời tránh bão thì công tác truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh kêu gọi sơ tán để bảo vệ tính mạng thì phải khiến người dân yên tâm không lo mất tài sản, cơ nghiệp, bởi từng có người dân phản ánh, “nếu tôi lên bờ, nhỡ thuyền mất thì lấy tiền đâu trả ngân hàng”.
X. TrườngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.