Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Chứng khoán
04:53 PM 29/01/2023

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đó là một nội dung quan trọng Thủ tướng yêu cầu đối với Bộ Tài chính tại Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành nhằm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Chỉ thị nêu rõ, nhân dân ta đón Tết Quý Mão 2023 trong không khí vui tươi, đầm ấm, sum vầy, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; các bác sỹ, cán bộ và nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh 24/24 giờ hằng ngày; cán bộ, người lao động trực, làm việc trong dịp Tết…

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước còn nhiều khó khăn, phức tạp, nước ta tiếp tục đối diện với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương trình Chính phủ nghị định sửa đổi về phát hành trái phiếu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải khẩn trương tập trung ngay vào công việc, bảo đảm kịp thời, chất lượng, hiệu quả, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo không khí phấn khởi và khí thế mới, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 theo các Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 (Nghị quyết số 01/NQ-CP); trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, công việc trọng tâm.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Đề cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; quán triệt chủ đề "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình, cơ quan, đơn vị mình; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; thúc đẩy tiến độ triển khai các đề án, dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành, lĩnh vực và của đất nước.

Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng và khai thác hiệu quả dư địa thu ngân sách nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Tiếp tục đề xuất các giải pháp phù hợp về chính sách tài khóa để góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19. Khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó lưu ý đối với nội dung chi đầu tư cần tập trung có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục...

Bộ Tài chính cùng Bộ Công Thương, các địa phương, các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; tăng cường phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; chủ động phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2023, bảo đảm kịp thời, đúng quy định.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.