Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí điện tử không dừng
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án thu phí điện tử không dừng đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị số 39/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai và tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Trước đó, hồi tháng 6/2020, Thủ tướng cũng đã ban hành quyết định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, các trạm thu phí đường bộ đang hoạt động phải chuyển sang hình thức thu phí tự động không dừng.
Về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng, Thủ tướng yêu cầu với các trạm thu phí đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay.
Với các trạm đang hoạt động, chậm nhất đến 31/12 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm BOT thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ được triển khai thu phí khi thực hiện thu phí điện tử không dừng.
Theo Chỉ thị 39/CT-TTg, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là nhiệm vụ bắt buộc nhằm minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai các dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối liên thông, đồng bộ, an toàn, bảo mật theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, có phương án đầu tư hệ thống thu phí bảo đảm liên thông đồng bộ, ký kết phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư xây dựng đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương có phương án đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, bảo đảm liên thông đồng bộ trong toàn hệ thống thu phí điện tử không dừng, không để kéo dài hoạt động thu phí thủ công, một dừng như hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải quyết định tạm dừng hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu điện tử không dừng theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm với lái xe cố tình vi phạm pháp luật, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các trạm thu phí, đặc biệt đối với các trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Bộ Công an được giao phối hợp trích xuất dữ liệu hình ảnh thu được tại các trạm thu phí, để xử phạt vi phạm với phương tiện chưa gắn thẻ đầu cuối hoặc đã gắn thẻ đầu cuối mà số tiền tài khoản thu phí không đủ thực hiện giao dịch thu phí nhưng cố tình đi vào cửa thu phí điện tử không dừng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các Ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản thu phí của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn; phối hợp, hướng dẫn nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến hoạt động thanh toán dịch vụ thu phí điện tử không dừng; phối hợp, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến liên thông tài khoản và xử lý lãi phát sinh của chủ phương tiện trên các tài khoản liên quan đến hoạt động thu phí điện tử không dừng theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc diện thu phí phải tham gia sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng thông qua việc gắn thẻ đầu cuối trên phương tiện xe ô tô và thanh toán qua tài khoản thu phí.
Hoàng MaiGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.