Thủ tướng Chính phủ: Nghệ An cần có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn để phát triển
"Chính phủ sẵn sàng vận dụng cơ chế đổi mới sáng tạo cho Nghệ An phát triển. Nghệ An cần có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn để phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Kiên quyết xóa bỏ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”
Ngày 14/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác về tình hình thực hiện tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021,
Theo đó, Nghệ An đã chủ động triển khai và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh.
Năm 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh Nghệ An đạt 4,45%, trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng cao 4,99%, đảm bảo sự ổn định và thể hiện vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế; thu ngân sách đạt 17.635 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; có thêm 35 xã đạt chuẩn và 2 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh là 280 xã (đạt tỷ lệ 68,12% tổng số xã) và 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới. Trong 2 tháng đầu năm 2021, một số chỉ tiêu tăng trưởng khá tích cực như: Thu ngân sách 2.983,8 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán, bằng 96,1% cùng kỳ; Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 26,65%.
Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện. Năm 2020 đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực quan tâm, cam kết đầu tư vào tỉnh. Trong 2 tháng đầu năm 2021, một số dự án lớn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như: Nhà máy sản xuất cấu kiện điện tử của Công ty Everwin Precision Việt Nam (200 triệu USD), KCN Hoàng Mai 1 (750 tỷ đồng), Khởi công nhà máy Goertek Vina (100 triệu USD),... Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2020 là 1.893 doanh nghiệp, tăng 6,8%; hiện toàn tỉnh có 23.451 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có 13.376 doanh nghiệp đang hoạt động.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An khẳng định kiên quyết xóa bỏ tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư với phương châm “tỉnh mở, sở hỗ trợ”, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh.
Tại buổi làm việc, Nghệ An kiến nghị cho phép tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thực hiện cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư Cảng nước sâu Cửa Lò tại khu vực Nghi Thiết, bao gồm cả 2 hạng mục thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước (đê chắn sóng và nạo vét luồng khu bến cảng phía nam Cảng Cửa Lò).
Tỉnh Nghệ An còn kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án thành lập khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An trước khi quy hoạch tỉnh và các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao những kết quả tỉnh Nghệ An đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị tỉnh Nghệ An cần có giải pháp để thu hút người Nghệ đang thành công ở trong nước và quốc tế vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tỉnh này cần tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để thu hút đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghệ An nên tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh. Về việc đầu tư công trong giai đoạn tới, Nghệ An cần thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Hiện nay, nguồn vốn để xây dựng tuyến đường ven biển đã được bố trí, đề nghị tỉnh xây dựng quy hoạch ở 2 bên đường để tạo một không gian kinh tế, tạo động lực mới.
Tạo cú hích cho Nghệ An phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với báo cáo của tỉnh Nghệ An tại buổi làm việc. Thủ tướng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp thu ý kiến góp ý của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành.
Người đứng đầu Chính phủ đã điểm lại những kết quả tỉnh Nghệ An đạt được trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, sau đại hội, tỉnh Nghệ An đã có sự đoàn kết, thống nhất cao trong Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, đây là một điểm sáng. Nghệ An đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành’ tình trạng ‘tỉnh mở, sở thắt’ đã được khắc phục, rất nhiều nhà đầu tư đã quan tâm đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, đó là những nền tảng quan trọng để triển khai kế hoạch 5 năm và kế hoạch năm 2021.
Đánh giá cao kết quả Nghệ An đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại một số nét như tăng trưởng kinh tế bình quân nhiệm kỳ đạt 7,2%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm năm 2020 của tỉnh đạt 4,45%. Đặc biệt, Nghệ An là một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của cả nước (280 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt khoảng 68,12% số xã và 6 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, cao hơn mức bình quân cả nước).
Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến với nhiều dự án lớn. “Tôi có nghe đồng chí Chủ tịch tỉnh Nghệ An nói sắp tới sẽ có một dự án mấy trăm triệu USD”, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi thấy không khí đầu tư vào Nghệ An sôi động, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Nghệ An.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí 18, xếp thứ 3 trong khu vực vùng duyên hải miền Trung, tình trạng “tỉnh mở, sở thắt” đã được khắc phục cơ bản. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ Am chưa có dự án lớn, mang tính chiến lược để chuyển biến tình hình. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để vận dụng cơ chế đổi mới sáng tạo cho Nghệ An”, Thủ tướng nói và cho rằng tỉnh Nghệ An cần vận dụng sáng tạo các nghị quyết, khơi dậy khát vọng phát triển.
"Những thành tựu quan trọng mà tỉnh đạt được trong năm 2020 và quý I/2021 là nền tảng quan trọng để tỉnh triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 và năm 2021, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của cả nước", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đang chỉ đạo quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tại Nghệ An cũng đang quán triệt và vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, trong đó có vấn đề rất mới như là khơi dậy khát vọng phát triển, phát triển văn hóa con người Việt Nam, vấn đề đổi mới sáng tạo... Thủ tướng đề nghị các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, các lãnh đạo hiểu về Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII một cách toàn diện. Tỉnh Nghệ An có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết XIII một cách cụ thể trên tinh thần quyết liệt hơn, năng động hơn, đổi mới sáng tạo hơn và có người chịu trách nhiệm việc thực hiện chương trình hành động.
"Trong quy hoạch phát triển, những ý tưởng lớn, ý tưởng mới phải được làm để đưa Nghệ An đi lên, trong đó TP. Vinh đóng vai trò là trung tâm. Tại sao không đưa Cửa Lò vào TP. Vinh để tăng quy mô TP. Vinh? Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị Nghệ An nghiên cứu vấn đề này. Nghệ An được xác định là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, trong khi Thanh Hóa, Hà Tĩnh đang phát triển mạnh mẽ, vậy muốn là trung tâm thì Nghệ An phải tập trung làm gì?", ông Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Do đó, theo Thủ tướng, tỉnh Nghệ An cần xây dựng quy hoạch một cách căn cơ, bài bản, có mũi đột phá chiến lược, khơi thông các điểm nghẽn phát triển. Trong phát triển, phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn hơn. Tỉnh này phải tập trung vào 3 vùng kinh tế trọng điểm rõ hơn, đặc biệt là tiếp tục phát triển miền Tây Nghệ An theo hướng xanh hóa, sử dụng những sản phẩm từ rừng trở thành thế mạnh. Phát triển mở rộng đô thị có quy hoạch, trong đó nâng cấp, mở rộng tuyến đường Vinh - Kim Liên (Nam Đàn).
Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt ra câu hỏi Nghệ An được xác định là trung tâm khu vực Bắc Trung bộ thì phải như thế nào?. Theo Thủ tướng thì phải tiến hành xã hội hóa để xây dựng các trường học, các bệnh viện, các trung tâm thương mại... thì mới phát triển được, phải khơi thông điểm nghẹn này.
Trong phát triển chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, phải có tầm nhìn dài hạn hơn, tập trung 3 vùng kinh tế trọng điểm rõ hơn. Trong đó, đặc biệt tiếp tục phát triển miền Tây theo hướng xanh hóa, sử dụng các sản phẩm từ rừng để trở thành thế mạnh.
"Dân số Nghệ An bằng 1/3 dân số của TP.HCM, TP. Hà Nội, nhưng tín dụng gửi vào đứng thứ 3 của cả nước, chứng tỏ người dân rất giàu. Vì vậy, tôi đề nghị cần có giải pháp để huy động nguồn vốn từ người dân để phát triển dịch vụ, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Phát triển mở rộng đô thị có quy hoạch, tập trung mở rộng Vinh – Cửa Lò, mở rộng cao tốc Vinh – Kim Liên bằng các cơ chế, chính sách", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Đối với các kiến nghị của tỉnh Nghệ Am, Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản đồng tình. Việc bố trí vốn để xử lý việc giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ và địa phương để xây dựng phương án bồi thường mặt bằng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng mong rằng Nghệ An sẽ có bước tiến mới trong giai đoạn mới; Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn quan tâm đến tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là tinh thần đoàn kết, quyết tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh chính là kinh nghiệm quý để đưa tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển.
Dẫn lại lời một nhà sử học về tên tỉnh “Nghệ An” nghĩa là “Thái bình vô sự” (có nghĩa là mong muốn về một mảnh đất luôn mang đến sự thái bình thịnh trị, yên bình không nhiễu nhương), Thủ tướng tin tưởng tỉnh Nghệ An sẽ có bước tiến mới.
Thái Quảng - Văn PhươngNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".