Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động

Diễn đàn
09:33 PM 12/06/2022

Sáng 12/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”.

Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022, hướng đến kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 1.

Thủ tướng tới thăm Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân Công ty Fuji (Khu Công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang).

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ 

Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, CNLĐ được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình. Ảnh: Hải Nguyễn.

Có 10 nhóm vấn đề được công nhân kiến nghị: vấn đề tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách, trong đó quan trọng là chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do Covid-19; hỗ trợ học sinh mầm non là con của công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân; khám chữa bệnh, tiền lương ngoài giờ cho công nhân lao động…

Người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen"; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH; các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là bếp ăn và các điểm chợ quanh KCN; bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc, nhất là tại các KCN, khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động; an toàn giao thông tại các khu công nghiệp tại các khu công nghiệp vào các giờ cao điểm.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong suốt chặng đường cách mạng đó là “Đất nước được độc lập, Nhân dân được tự do, được ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân”.

Do đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng các ý kiến của người lao động, trên cơ sở đó hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật. Đây cũng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ thể có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong 2 năm qua, do tình hình Covid-19 nên không có điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Nhiều vấn đề được Thủ tướng lắng nghe, giải quyết

Tại điểm cầu Bắc Giang, anh Phạm Văn Lực - Chủ đầu tư nhà ở công nhân Khu công nghiệp Vân Trung (huyện Việt Yên) cho biết, hiện tại, đơn vị còn một số khó khăn trong triển khai xây dựng nhà ở xã hội, đó là vấn đề liên quan xác định đối tượng thuê, giá bán, giá cho thuê.

Phía đơn vị đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang rất chặt chẽ nhưng về luật còn nhiều bất cập gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Do đó, anh Phạm Văn Lực đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ban, ngành sửa đổi các thủ tục hành chính tốt hơn để không gây ảnh hưởng đến việc vi phạm pháp luật sau này. Cụ thể, đó là việc xác định miễn nhiệm việc sử dụng thuế đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị thuế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi, làm rõ những kiến nghị của công nhân, người lao động

Liên quan vấn đề này, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang cho biết: Bắc Giang có 250 nghìn công nhân đang ở, sinh hoạt, trong đó có 1/3 công nhân từ các địa phương khác nên nhu cầu nhà ở rất nhiều. Bắc Giang hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Nếu triển khai được 14 dự án này sẽ giải quyết được khoảng 110 nghìn công nhân có nhà ở. 

Đối với các doanh nghiệp hiện nay, vấn đề vướng mắc nhất là quy định của Nghị định 100 quy định về vấn đề thuê, thuê lại nhà ở, doanh nghiệp xây dựng nhà ở nhưng người thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân.

Nếu một doanh nghiệp có 10 ha, giải quyết khoảng 20 nghìn công nhân có nhà ở, mà doanh nghiệp ký từng hợp đồng với từng công nhân, tức là phải có tới 20 nghìn hợp đồng. Cùng với đó là việc công nhân ở không ổn định, có người thay đổi công việc trong vòng 6 tháng, 1 năm… di chuyển chỗ khác, nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 5.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tặng 25 suất quà cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bắc Giang.

Đối với các kiến nghị về những bất cập liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội; tăng lương tối thiểu vùng; nhà ở, thiết chế xã hội cho công nhân; tín dụng ưu đãi cho người lao động; vấn đề đào tạo nghề cho công nhân lao động… của công nhân tại hội nghị cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, hiệu quả, tìm giải pháp tốt nhất cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. 

Thủ tướng cũng thông tin mới nhất trong sáng nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đã được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đăng tải.

Tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân

Phát biểu kết luận buổi trao đổi và truyền thông điệp tới đội ngũ công nhân, lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những vấn đề mà công nhân, người lao động đặt ra tại Chương trình đối thoại. Thủ tướng cảm ơn những ý kiến  đóng góp của anh, chị, em công nhân, lao động trên cả nước. Qua đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu, lắng nghe, trao đổi, giải quyết hết tất cả các vấn đề còn trăn trở của công nhân.

Tôi xin cảm ơn sự đóng góp này của anh, chị, em công nhân. Từ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐVN tiếp thu, lắng nghe ý kiến và trao đổi. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng không thể không trao đổi” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động - Ảnh 6.

Các đại biểu dự lễ ra mắt Chương trình giải trí trên truyền hình phục vụ công nhân, lao động năm 2022 với tên gọi “Giờ thứ 9+”.

Sau khi lắng nghe ý kiến, tập hợp các vấn đề, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách. Sau khi đã rà soát, cần phải nhanh chóng bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện.

“Chúng ta rất chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có giai cấp công nhân. Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, chúng ta phải cùng nhau giải quyết” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị công nhân tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, để tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, những vấn đề xuất phát từ thực tiễn cùng nhau giải quyết kịp thời, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân, trong đó có anh chị em công nhân.

Đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu những gì chưa làm được phải thẳng thắn rút kinh nghiệm, tiếp thu để làm tốt hơn. Từ đó, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của anh, chị, em công nhân về đời sống, công ăn việc làm, học hành, nâng cao trình độ, được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cho hay: “Những trăn trở về tiêu cực, vấn đề phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn, an dân, cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực hiện cho thật tốt. Các địa phương từ lắng nghe ý kiến ngày hôm nay, những gì mình làm được tốt phải phát huy, những gì chưa tốt nhanh chóng khắc phục. Phối hợp với các bộ ngành, Tổng LĐLĐVN để xử lý kịp thời, thoả đáng”.

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”. Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang; đi thăm, động viên, tặng quà cho công nhân tại các khu nhà trọ và nhà ở xã hội.

Được biết từ năm 2016 đến nay đã 5 lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động. Chương trình lần này là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022, qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động.

PV
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.