Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định tầm nhìn đến năm 2050
Tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa…
Tập trung phát triển đô thị Quy Nhơn hiện đại về không gian, kiến trúc, khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt về cảnh quan và khí hậu khu vực ven đầm Thị Nại; quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính mới của tỉnh tại Khu kinh tế Nhơn Hội; phát triển Khu Đô thị Khoa học mang tầm cỡ quốc gia. Kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên; thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy tốt bản sắc, các nét đẹp văn hoá các dân tộc; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm (giá so sánh 2010)…
GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 - 7.900 USD). Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa.
Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bình Định trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Kinh tế phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến chế tạo; công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI); du lịch chất lượng cao; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và hệ thống logistics gắn liền cảng biển, cảng hàng không.
Tỉnh có hệ thống đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế về một số sản phẩm mà tỉnh có lợi thế. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quốc phòng, an ninh, bao gồm an ninh trên biển và trật tự xã hội trên địa bàn được đảm bảo vững chắc.
Đưa Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo
Theo phương hướng phát triển, ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, quy mô lớn, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh, bền vững, hướng tới tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là trụ cột để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao (dịch chuyển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao như: chế biến sâu nông - thủy - hải sản, linh kiện điện tử, bán dẫn, dược phẩm), công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, góp phần đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước.
Chú trọng thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối và nguồn năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh…); các dự án sản xuất thép quy mô lớn, đóng tàu, sản xuất thiết bị phụ trợ điện gió có công nghệ tiên tiến để nâng cấp xây dựng hạ tầng kỹ thuật sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế…
Nguyễn TuấnCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.