Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng yếu kém
Tại Chỉ thị số 01 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ giao một số nhiệm vụ quan trọng cho Ngân hàng Nhà nước triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 8/2/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu NHNN triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 02 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại.
Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thiện Tờ trình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đợt 2 để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư năm 2022; rà soát phần vốn còn lại chưa giao chi tiết, báo cáo ngay cấp có thẩm quyền theo quy định; rà soát tình hình và kết quả giải ngân vốn đầu tư năm 2021 để đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp đối với số vốn còn lại chưa giải ngân được.
Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán việc tổ chức hội nghị toàn quốc đôn đốc về công tác quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch theo quy định.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; khẩn trương trình Chính phủ việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất năm 2022; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; triển khai hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình quy định.
Ngoài ra, BTC có giải pháp huy động nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Chương trình, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước ngay từ khâu phân bổ, nhất là chi thường xuyên, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; tận dụng dư địa tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là dư địa thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ nền tảng số; thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần bội chi ngân sách nhà nước tăng thêm để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội).
Thủ tướng cũng yêu cầu BTC chủ động phối hợp với các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xuất cấp, giao nhận 3.543,795 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2022.
Thu ThủyKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.