Thủ tướng chốt mốc mới nhất 2 dự án đường sắt tốc độ cao hơn 75 tỷ USD, ngay tháng sau phải xong việc này

Địa phương
05:11 PM 09/07/2025

Thủ tướng yêu cầu đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào 19/8/2025.

Sáng ngày 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.

Theo thông tin tại buổi họp, trong số 48 nhiệm vụ cụ thể mà Ban Chỉ đạo giao cho các Bộ, ngành, địa phương đến nay các cơ quan, địa phương đã hoàn thành 23 nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu; 17 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên đang triển khai thực hiện; 07 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ; 01 nhiệm vụ chưa đến hạn.

Trong đó, các cơ quan đã tổ chức thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tổ chức triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng các dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Thủ tướng chốt mốc mới nhất 2 dự án đường sắt tốc độ cao hơn 75  tỷ USD, ngay tháng sau phải xong việc này- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức ra quân đồng loạt triển khai giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam vào dịp 19/8/2025 để hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2026 và nhấn mạnh, phải chủ động khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến, không trông chờ.

Để thực hiện được đúng kế hoạch, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao thúc đẩy sớm họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam- Trung Quốc về các dự án đường sắt kết nối theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thủ tướng chốt mốc mới nhất 2 dự án đường sắt tốc độ cao hơn 75  tỷ USD, ngay tháng sau phải xong việc này- Ảnh 2.

Quy mô tuyến đường sắt tốc độ cao Hải Phòng-Hà Nội-Lào Cai. Đồ họa do Ai tạo ra

Hai bộ cùng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt tốc độ cao

Tại buổi họp ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, hiện có 517 bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, bao gồm 218 tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và 299 tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, thời gian này, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tương thích với yêu cầu thực tiễn.

"Với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có, các đơn vị thiết kế hoàn toàn có thể triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam một cách đồng bộ và phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, không gặp vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Thủ tướng chốt mốc mới nhất 2 dự án đường sắt tốc độ cao hơn 75  tỷ USD, ngay tháng sau phải xong việc này- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao chiều 8/7- Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phát biểu tại buổi họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý việc sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài để hài hòa hóa và ban hành thành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cần tuân thủ đúng quy định về chuyển giao công nghệ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các chuyên gia liên quan, xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho đường sắt tốc độ cao, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành…

"Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là yếu tố then chốt để xác định công nghệ, khả năng chuyển giao khi lựa chọn nhà đầu tư đường sắt tốc độ cao", Phó thủ tướng khẳng định.

Hai tuyến đường sắt chiến lược vừa được thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 7, khóa XV với tổng đầu tư hơn 75 tỷ USD. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 67,3 tỷ USD. Tuyến có chiều dài tuyến 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành. Tốc độ thiết kế 350 km/h.


Trang Anh
Ý kiến của bạn
NHNN đang từng bước xóa bỏ "room" tín dụng NHNN đang từng bước xóa bỏ "room" tín dụng

NHNN đang nghiên cứu kỹ lộ trình bỏ room tín dụng trên cơ sở đánh giá các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.