Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam

Địa phương
02:40 PM 29/01/2023

Tối 28/1, tại TP. Vinh (Nghệ An), sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc lãnh đạo các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị về tình hình thực hiện các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, giai đoạn 2.

Tham gia cuộc họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Cùng tham gia họp có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các địa phương: Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; đại diện các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát.

Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (2017-2020) có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư hợp tác công - tư (PPP) và 8 dự án đầu tư công). Hiện dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) và dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn (98,3 km) đã đưa vào khai thác; 9 dự án còn lại đang tiếp tục triển khai thi công.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo

Riêng đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An có tổng chiều dài là 480,5 km qua địa bàn các tỉnh Nam Định- Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị được chia thành 10 dự án thành phần thuộc 02 giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài là 221,2 km gồm 05 dự án thành phần (01 dự án đầu tư PPP và 04 dự án đầu tư công); giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài là 259,3 km gồm 05 dự án thành phần đầu tư công qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 06 làn xe cao tốc, phân kỳ đầu tư 04 làn xe với bề rộng nền đường 17m.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 3.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự cuộc họp

Trong số 05 dự án thành phần (DATP) giai đoạn 1, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15,2 km) đã được đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022; 04 DATP còn lại đang triển khai thi công, trong đó:  DATP đoạn Mai Sơn - QL45 dự kiến hoàn thành ngày 30/4/2023;  DATP đoạn QL45 - Nghi Sơn và DATP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành vào Quý III/2023; DATP đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt hoàn thành vào Quý II/2024.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 4.

Lãnh đạo Chính phủ, các địa phương tham dự cuộc họp

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn giám sát, nhà đầu tư, nhà thầu đã nêu các khó khăn và kiến nghị về vấn đề dự phòng trượt giá; tháo gỡ khó khăn trong việc mua vật liệu để phục vụ thi công dự án; hướng dẫn thực hiện chính sách hoàn thuế; bàn giao mặt bằng cho nhà thầu,  công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt theo phản ánh của một số nhà đầu tư, hầu hết các mỏ cát sử dụng cho Dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công , hiện tại là 25 mỏ/41 mỏ. Do đó, đề nghị Chính phủ cho phép khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị được áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác lớn hơn hoặc bằng khu vực đồng bằng Sông Cửu Long mới đáp ứng tiến độ dự án.

Đại diện các bộ, ngành giải đáp các băn khoăn, kiến nghị của các nhà thầu cũng như các địa phương.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 5.

Lãnh đạo các địa phương tham dự cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao khí thế thi công nhộn nhịp, sôi nổi trên các công trường; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, hưởng ứng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

Thủ tướng hoan nghênh và cảm ơn các địa phương, Bộ, ngành, các đơn vị tư vấn, nhà thầu và đặc biệt ghi nhận sự phấn khởi, khí thế, hi vọng của người dân, chuyển biến rõ trong nhận thức. Không phụ lòng người dân, chúng ta cần hành động đáp lại ý thức, việc làm và niềm tin của người dân. Đặc biệt cần nhanh, sớm giúp người dân ổn định cuộc sống.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu

Nhấn mạnh GPMB mang yếu tố quyết định đến tiến độ dự án, Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc. Đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT tham mưu các vấn đề liên quan để tháo gỡ... Thủ tướng biểu dương các tỉnh làm tốt công tác đền bù GPMB như Nghệ An, Thanh Hóa. Người dân phấn khởi, không mất trật tự an ninh, đảm bảo an toàn, không kiện cáo.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 7.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trao đổi về đề xuất nâng cao công suất khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường và đưa ra phương án tháo gỡ.

Các địa phương phải chủ động trong công tác GPMB theo thẩm quyền; các bộ, ngành tập hợp các vướng mắc của các địa phương để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm. Thủ tướng biểu dương 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá trong công tác GPMB thời gian qua.

Về vấn đề vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương rà soát lại những vấn đề chưa đúng, chưa trúng thì khắc phục ngay, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu, chủ đầu tư, góp phần giảm giá thành, không chấp nhận tình trạng găm hàng, ép giá. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vướng mắc thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác để giải quyết, không để kéo dài, làm việc nào dứt điểm việc đó; những kiến nghị của các đơn vị, các tỉnh tại cuộc họp hôm nay phải giải quyết dứt điểm trong tháng 2/2023, không để kéo dài.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 8.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết sẽ chấn chỉnh việc cấp mỏ, nếu các chủ mỏ có hành vi lợi dụng nhu cầu thực hiện dự án để trục lợi sẽ xử lý nghiêm

Đối với giai đoạn 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khắc phục tình trạng chia nhỏ gói thầu của giai đoạn 1, qua đó đỡ thủ tục hành chính, đỡ tiêu cực, khắc phục tình trạng đội vốn. Cần chấm dứt ngay tình trạng "Ăn xổi ở thì". Đơn vị tư vấn cần thực hiện nghiêm công tác này. Ban quản lý dự án, Bộ GTVT tạo điều kiện, hết sức khách quan, công khai, minh bạch, tránh tình trạng tiêu cực.

Thủ tướng chủ trì họp kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. - Ảnh 9.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận buổi làm việc

Thủ tướng Chính phủ lưu ý phải đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ công trình, không để đội giá bất hợp lý. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn, vệ sinh, môi trường; giữ được tối đa cảnh quan với tinh thần "qua sông thì bắc cầu, qua ruộng thì đổ đất, đổ cát" tránh các khu dân cư, khu quân sự quan trọng. Chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, đảm bảo đời sống cho công nhân, hài hòa lợi ích không để người lao động thiệt thòi. Chống việc bán thầu, thông thầu, tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra, chống tiêu cực. Tái định cư cho nhân dân cần kịp thời, nhanh chóng, quan tâm công ăn việc làm, phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Tính toán các vấn đề có thể khai thác ngay; các nút giao, quy hoạch dứt khoát, các nhà tư vấn cần thực hiện đúng quy định, tiêu chuẩn, làm đến đâu dứt điểm đến đấy. Liên quan đến công tác phối hợp phải đảm bảo nhanh, gọn, kịp thời.

Sau khoảng 2 năm triển khai dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt giai đoạn 2 của dự án, đó là: Cần bám sát thực tiễn, giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh, không chia nhỏ gói thầu. Sửa lại các tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến vấn đề đấu thầu. Tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát. Những vấn đề vướng mắc ở giai đoạn 1, cần chấn chỉnh, chủ động điều chỉnh lại cho phù hợp. Xử lý vướng mắc nhanh, kịp thời, không để kéo dài. Đẩy mạnh hợp tác công tư, lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp.

Vũ Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á Việt Nam có thể trở thành "con hổ kinh tế" tiếp theo của châu Á

Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí và có các động lực để trở thành một nền kinh tế "con hổ" khu vực châu Á. Nhưng để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đầu tư vào giáo dục, cải thiện cơ sở hạ tầng và thực hiện các cải cách chính sách.