Thủ tướng: Dồn mọi nguồn lực để cứu đồng bào miền Trung
Chiều 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo tình hình và hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dồn mọi nguồn lực để cứu đồng bào miền Trung.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, trong vòng 30 ngày (từ giữa tháng 9 đến nay), 8 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Quảng Ngãi) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 8 loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất) do 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, kết hợp với các hình thế thời tiết cực đoan khác, đã gây 2 đợt mưa lớn kéo dài. Lũ lớn xuất hiện trên 14 tuyến sông chính, trong đó có 4 tuyến sông, lũ đã vượt mức lịch sử, khu vực miền núi nhiều nơi đã bị sạt lở đất nghiêm trọng. Mưa lũ đã làm 172 người chết và mất tích, 260.322 hộ dân bị ngập lụt.
Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng (bão chồng bão, mưa lũ chồng mưa lũ) đã, đang tác động, ảnh hưởng đến tất cả các tuyến từ ngoài Biển Đông đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi trong thời gian dài.
Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và theo thông tin từ một số đài, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lũ lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh khu vực miền Trung.
Theo đại diện của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan này đã dùng radar thời tiết dự báo từng giờ, cung cấp cho lực lượng cứu hộ. Xu thế chuyển từ năm khô hạn sang năm nhiều mưa lũ đang và sẽ tiếp tục xảy ra, từ nay đến cuối tháng 10 và sang cả tháng 11. Đêm mai, sẽ có cơn bão vượt quần đảo Philippines vào Biển Đông. Bên cạnh đó, cần đề phòng rét đậm rét hại khi năm nay mùa đông sẽ lạnh hơn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chia sẻ những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc của các lực lượng ở Trung ương và địa phương trong phòng, chống, khắc phục, nhất là lực lượng quân đội, các ngành chức năng như ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, đặc biệt giao thông vận tải…; đồng thời biểu dương các lực lượng chức năng đã xông pha, không ngại hiểm nguy để cứu lấy sinh mạng, tài sản của nhân dân với nhiều tấm gương dũng cảm.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân với tinh thần "không được để dân đói, không được để dân rét, màn trời chiếu đất".
Tích cực chỉ đạo cứu hộ cứu nạn nhưng phải bảo đảm an toàn. Ngành tài nguyên môi trường và Đài Khí tượng thủy văn Trung ương làm tốt hơn nữa công tác dự báo để các cấp, các ngành quán triệt tinh thần "4 tại chỗ" là chính. Các lực lượng của Trung ương và địa phương sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Trong công tác chỉ đạo, cần tập trung bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.
"Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với những phương án phù hợp, bằng các phương tiện cần thiết để cứu dân, xử lý vấn đề đặt ra như vừa qua các đồng chí đã làm", Thủ tướng nói. Hiện nay, mưa lớn đang diễn ra ở khu vực Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Nhấn mạnh tinh thần không để dịch bệnh xảy ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chuẩn bị sẵn cơ số thuốc dự phòng, hướng dẫn người dân bảo đảm vệ sinh an toàn sau lũ.
Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính quyết định xuất cấp phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn.
Tán thành với đề xuất của Bộ NN&PTNT, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đồng ý trước mắt, xuất cấp cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, "yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng", không để chậm trễ.
Về đề nghị hỗ trợ lương khô của các tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý kịp thời, trường hợp cần thiết thì ngân sách Nhà nước sẽ cấp bổ sung cho Bộ Quốc phòng sau.
Về hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở, khắc phục cơ sở hạ tầng, Thủ tướng chấp nhận đề nghị trước mắt, hỗ trợ mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (gồm Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh).
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT có nhiệm vụ tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Các bộ, các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ trong các công điện đã ban hành.
Bộ Quốc phòng động viên các lực lượng có liên quan, giải quyết tốt chính sách, chế độ cho các đơn vị bị thiệt hại đúng quy định.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý, có kịch bản chi tiết nhất đối với các hồ chứa và các phương án cứu trợ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho vùng hạ du.
"Tôi đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, bám sát dân. Các cấp, các ngành bám vào chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các địa phương giải quyết tốt, hỗ trợ các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
2.400 tỷ đồng ủng hộ người nghèo
Tối 17/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020. Đây là một trong những hoạt động thường niên nhằm vận động nhân dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay đóng góp nguồn lực vào quỹ "Vì người nghèo" và các chương trình an sinh xã hội.
Năm nay, theo thống kê của Ban tổ chức, đã có hơn 220 đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội với số tiền gần 2.400 tỷ đồng.
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.