Thủ tướng đồng ý hơn 300 người Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam mua vải thiều

Tiếp thị
10:02 AM 06/06/2020

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép 309 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, đến thu mua vải thiều tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nhưng phải đảm bảo quy định cách ly phòng dịch Covid-19.

    Vụ vải thiều năm 2020, diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, tăng khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái. Trong đó sản lượng vải chín sớm ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ sản lượng ước đạt 115.000 tấn.

    Phố Kim, thị trấn Chũ mùa thu hoạch vải thiều.

    Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở cả trong nước và trên thế giới, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều năm nay sẽ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa với sản lượng khoảng 60%, số còn lại sẽ giành cho xuất khẩu.

    Cũng theo ông Toản, nhằm tạo điều kiện cho các thương nhân nước ngoài đến thúc đẩy tiêu thụ vải thiều xuất khẩu, tỉnh Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép 309 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam đến địa phương khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.

    Đồng thời, tỉnh Bắc Giang còn đề nghị cho phép các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được nhập cảnh để thực hiện công tác giám sát quy trình xử lý vải thiều, đảm bảo đúng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Tỉnh Bắc Giang cam kết thực hiện nghiêm túc việc cách ly, theo dõi sức khỏe, kiểm tra y tế theo quy định của công tác phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện an ninh, trật tự.

    Dự kiến thương lái đến tỉnh Bắc Giang thu mua vải thiều sẽ được bố trí nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường bộ tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn.

    Để thuận tiện cho việc đưa đón, quản lý, theo dõi sức khỏe, khi đến địa điểm cách ly, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Vùng chuyên canh trồng vải ở tỉnh Bắc Giang chia sẻ, trên địa bàn huyện có 29 khách sạn, nhà nghỉ với 338 phòng, 454 giường, với sức chứa tối đa 750 khách. "UBND huyện đã giao lực lượng công an huyện bố trí xe đưa đón thương nhân từ cửa khẩu về với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, phiên dịch giúp thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch", ông Nam nói.

    Cùng với tin vui về việc Thủ tướng Chính phủ cho phép các thương nhân Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam để đến Bắc Giang để tiêu thụ vải thiều; ngày 28/5 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt, không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

    Bộ NN&PTNT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương cùng Sở Y tế và Sở NN&PTNT của 2 địa phương này thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại tỉnh Bắc Giang và Hải Dương theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo. Đây là cơ sở quan trọng trong việc kết nối tiêu thụ vải thiều cho nông dân đạt kết quả cao nhất, góp phần giảm bớt những khó khăn đối với người trồng vải trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

    Theo số liệu năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh đạt trên 147.000 tấn. Tính giá bình quân cho cả vụ 2019 đạt khoảng 31.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Giá bình quân cho các hoạt động dịch vụ phụ trợ như đá cây, thùng xốp, vận tải, công lao động, nhà hàng, khách sạn… đạt khoảng 11.500 đồng/kg.

    Bên cạnh đó, vải thiều cũng được xuất khẩu sang nhiều nước khu vực Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Úc. Tổng sản lượng xuất khẩu ước đạt 79.618 tấn, chiếm 54,2% tổng sản lượng tiêu thụ.
     

    Kim Huệ
    Ý kiến của bạn
    Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

    Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.