Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia
Ngoài ra, NHNN sẽ ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo lập khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Ngày 28/10, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.
Tại Đề án, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó phải hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tư pháp, và các bộ ngành liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan).
Đồng thời, Nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật các hệ thống thanh toán (theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030) để đảm bảo thẩm quyền quản lý, giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các hệ thống thanh toán, các dịch vụ và phương tiện thanh toán, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.
NHNN Hoàn thành việc xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt và xây dựng các văn bản hướng dẫn; Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2013 về thanh toán bằng tiền mặt nhằm tăng cường quản lý hoạt động thanh toán bằng tiền mặt, nhất là đối với giao dịch mua, bán tài sản có giá trị lớn phù hợp với quy định tại Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật phòng, chống rửa tiền, Luật phòng, chống tham nhũng.
Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện, ban hành các quy định về định danh và xác thực điện tử; ban hành quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành quy định, hướng dẫn cho phép các tổ chức liên quan được kết nối, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.
Đáng chú ý, Chính phủ giao NHNN hoàn thành xây dựng, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm tạo lập khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Đồng thời, NHNN nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp, NHNN và các bộ ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giao dịch điện tử, an ninh mạng, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người dùng,... nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Bộ Tài chính nghiên cứu giải pháp để tiếp tục khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt góp phần vào việc quản lý thuế.
Thu ThủyBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.