Thủ tướng: Khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 2 năm gần đây, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam mặc dù đã có bước tiến quan trọng sau nhiều năm nói mà không làm được. Thế nhưng, nhiều tồn tại vẫn chưa được khắc phục nhanh do đó, cần phải tăng tốc độ hơn nữa.
Theo báo cáo khảo sát xếp hạng Chính phủ điện tử mới nhất của LHQ, từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019, Việt Nam tăng được 2 bậc, xếp hạng 86 trong 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có chỉ số hạ tầng viễn thông tăng 31 bậc, nhưng tụt 22 bậc ở Chỉ số dịch vụ trực tuyến.
Sau hơn 8 tháng hoạt động, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Cổng Dịch vụ công quốc gia nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, đã đạt trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký; hơn 15 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 295.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 24.000 cuộc gọi và 7.800 phản ánh, kiến nghị…
Đến tháng 7/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trung bình cả nước đạt khoảng 15,91%. Có 9 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 11 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trên 30%, trong đó Bộ Y tế và Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) có tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4 đạt 100%.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.
Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật và chiến lược về Chính phủ điện tử. Trước hết, Bộ Công an trong năm nay phải xây dựng xong dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong quý III, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử cùng với trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT.
Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020.
Bộ TT&TT chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12/2020.
Bộ TT&TT xây dựng đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa với cơ cấu tổ chức phù hợp, chế độ ưu đãi…, bảo đảm năng lực, nguồn lực để dẫn dắt tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng xem xét trong thời gian sớm nhất.
Theo Thủ tướng, lực lượng trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở Việt Nam, "không có thì khó thành công". Thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỉ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.
Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…
Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng Việt Nam để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay hàng chục nền tảng đã được ra mắt.
Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai tích cực nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng nhìn nhận xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối/chia sẻ dữ liệu; dành tỉ lệ chi thích đáng từ ngân sách Nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả mà tiêu biểu như tỉnh Bình Phước chi hơn 1% từ ngân sách Nhà nước cho CNTT.
Bày tỏ ấn tượng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới với doanh số rất cao, Thủ tướng nhấn mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số, các doanh nghiệp công nghệ phát triển, "thể chế nào ràng buộc thì các đồng chí báo cáo" để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
N.HTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.