Thủ tướng: "Không có quốc gia nào an toàn khi các quốc gia khác vẫn còn phải chống dịch COVID-19"
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung. Trong đó, việc ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh là nội dung cần được ưu tiên đầu tiên.
Sáng ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 7 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng các nước Campuchia, Lào Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam,... và gần 350 đại biểu đại diện các bộ, ngành sáu nước, các đối tác phát triển và khối doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò chiến lược của tiểu vùng Mekong mở rộng trong tiến trình hội nhập quốc tế và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của châu Á.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để các nước thành viên GMS thể hiện nỗ lực, quyết tâm, cùng nhau đoàn kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển. Càng khó khăn các nước GMS càng cần đoàn kết hơn, gắn bó hơn, đồng lòng hơn, tương trợ lẫn nhau nhiều hơn để vượt qua thách thức; cùng nhau tạo nên bản lĩnh, uy tín, thương hiệu và giá trị, bản sắc bền vững của GMS.
Ngoài ra, Thủ tướng cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các đối tác phát triển về những hỗ trợ quý báu, điều phối hiệu quả và huy động nguồn lực cho các chương trình hợp tác trong khuôn khổ GMS và với các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng cũng cảm ơn các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, đã chia sẻ, giúp đỡ cho các nước khác và Việt Nam. Sự giúp đỡ này là rất quý giá trong điều kiện khan hiếm vaccine trên toàn cầu hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Với quan điểm GMS cần có tầm nhìn và các giải pháp mang tính chiến lược để vừa giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay vừa đặt nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững và bao trùm, toàn diện trong thập kỷ tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị hợp tác GMS trong giai đoạn tới cần ưu tiên 6 nội dung chính:
Thứ nhất, ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng cho biết, lúc này các nước cần ưu tiên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh COVID-19; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai.
"Trước dịch bệnh đang lây lan toàn cầu, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19; không có quốc gia nào an toàn khi còn các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới vẫn còn phải chống dịch COVID-19", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trọng tâm là hỗ trợ tiếp cận vaccine và dược phẩm điều trị COVID-19 một cách cởi mở, bình đẳng và minh bạch; tăng cường chia sẻ vaccine qua các cơ chế đa phương và song phương; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để xây dựng và tự chủ sản xuất vaccine, thuốc chữa các loại dịch bệnh tại khu vực. Việt Nam đề nghị các nước sản xuất được vaccine, trong đó có Trung Quốc, tiếp tục hỗ trợ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, bảo đảm chuỗi cung ứng khu vực không bị đứt gãy trong bối cảnh dịch bệnh. Thông qua việc hài hoà, đơn giản hoá quy trình, thủ tục thông quan; mở "hành lang xanh" tại các cửa khẩu để vừa tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hoá qua biên giới, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch; hạn chế áp dụng các rào cản thương mại.
Thứ ba, tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, giao thông và năng lượng là hai lĩnh vực cần được chú trọng để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của các nền kinh tế. Mục tiêu là hoàn thiện mạng lưới giao thông, các cửa khẩu, cảng biển GMS; thúc đẩy vận tải đa phương thức; chuyển đổi sang nền năng lượng phát thải thấp một cách hài hòa, hợp lý; nâng cao năng lực mua bán điện năng qua biên giới, vận hành hệ thống lưới điện liên kết, và phát triển cơ sở hạ tầng ngành điện.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số. Điều này góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển trên cơ sở phát triển hạ tầng số; tăng cường thương mại điện tử, thương mại số; phát huy vai trò của công nghệ số để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch nhất là trong lĩnh vực thương mại dịch vụ; nâng cao trình độ và kỹ năng số cho doanh nghiệp và người lao động; và xây dựng khung pháp lý phù hợp.
Thứ năm, xây dựng một GMS xanh, an toàn và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhận định, GMS cần trở thành hình mẫu hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh, an toàn và bền vững, chú trọng nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường hợp tác trong quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các dòng sông ở khu vực, đặc biệt là sông Mekong.
Thứ sáu, tăng cường phối hợp giữa GMS với ASEAN và các cơ chế khu vực khác. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của đối tác phát triển và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng đã đề xuất tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên phát triển GMS với sự tham gia của các thành viên GMS và các đối tác phát triển để đánh giá, rà soát tiến trình hợp tác GMS cũng như mở rộng, thu hút thêm nguồn lực, ý kiến tư vấn từ các đối tác phát triển của GMS.
Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS và cùng các nước láng giềng xây dựng một khu vực GMS ngày càng cởi mở, an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Bài phát biểu của Thủ tướng được Hội nghị hoan nghênh và đánh giá cao. Lãnh đạo cấp cao các nước đều quan tâm, chia sẻ và đồng tình ủng hộ quan điểm và các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt là các định hướng quan trọng, đề xuất cụ thể để xây dựng khu vực GMS an toàn, hoà bình, thịnh vượng và phát triển bền vững, bao trùm.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị và thống nhất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh GMS 8 tại Trung Quốc vào năm 2024.
Quỳnh AnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.