Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điều hành thảo luận dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII
Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, ngày 27/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các dự thảo Văn kiện. Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.
Theo chương trình, các đại biểu làm việc cả ngày tại hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội. Buổi chiều, Đại hội tiếp tục nghe các tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường...
Trước đó, trong buổi sáng, Đại hội đã nghe các đại biểu trình bày tham luận: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang; đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Các đại biểu phân tích, làm rõ các nội dung: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Tiếp tục đổi mới toàn diện, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Phát huy phương châm "Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân", thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại hóa, xứng đáng là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; Tiếp tục đổi mới công tác dân vận của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Phát triển kinh tế tri thức - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn từ Thành phố Hồ Chí Minh...
Các tham luận tập trung đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Theo dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu phát triển tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 Việt Nam phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao
PV (theo Chinhphu.vn)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.