Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tương lai gần, nhiều bệnh nhân sẽ không cần ra nước ngoài khám chữa bệnh
Phát biểu tại lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa vào chiều nay (25/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y học tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có trình độ cao.
Sau khi thực hiện nghi thức khánh thành, phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự kiện này khi chỉ cách đây mới 4 tháng, Thủ tướng đã dự lễ khai trương nền tảng khám chữa bệnh từ xa với 6 cơ sở đầu tiên. "Cho nên, đây là sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân", Thủ tướng nhấn mạnh. Kết quả này cũng thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn trong phòng chống đại dịch COVID-19 khi 24 ngày qua, chúng ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam tự hào là quốc gia lần thứ 2 khống chế thành công dịch bệnh bằng tất cả những giải pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Thủ tướng nêu rõ. Chúng ta đã có nhiều tấm gương sáng cho tất cả các lĩnh vực, đặc biệt phải kể đến ngành y tế có nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng đã quên mình phục vụ người bệnh, không quản hiểm nguy, khó khăn để cứu chữa bệnh nhân. Cùng với đó là nhiều mô hình, nhiều phương pháp phòng, chống dịch hay, hiệu quả được đề xuất và triển khai, trong đó nổi bật là việc ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các hoạt động khám, phát hiện, chữa bệnh từ xa.
Thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch bệnh bùng phát đã cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và tập trung đông bệnh nhân, dễ lây nhiễm tại các tuyến.
Trong thời gian tới đây, đặc biệt khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, việc mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết, không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân trên toàn tuyến, mà khám, chữa bệnh từ xa cũng giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế lưu trữ tài liệu, dữ liệu cho các công trình nghiên cứu sâu hơn.
Người dân trên mỗi vùng miền của Tổ quốc được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Thủ tướng bày tỏ nhất trí với Bộ Y tế về quan điểm chủ đạo của Đề án khám chữa bệnh từ xa là "Chất lượng khám chữa bệnh vươn cao, vươn xa", "mong các thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ y tế là những người sẽ đưa quan điểm này trở thành sự thực, góp phần lan tỏa kiến thức, trao đổi chuyên môn giữa các tuyến để phục vụ chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho mọi người dân của chúng ta, không để ai bỏ lại phía sau". Nhiệm vụ cũng là mục tiêu lớn của chúng ta là nhanh chóng mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân, đồng thời hướng tới kết nối quốc tế.
Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi được biết hành lang khám chữa bệnh từ xa đã được mở sang 2 nước bạn Lào và Campuchia. Trong tương lai, các bệnh viện tuyến trên cần kết nối với các nước có nền y tế tiên tiến để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ có trình độ cao. "Tôi tin rằng trong tương lai gần, nhiều bệnh nhân của chúng ta trên cơ sở nâng cao chất lượng, sẽ không cần ra nước ngoài để khám chữa bệnh nữa", Thủ tướng nói.
Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tích cực chủ động triển khai tốt chương trình khám chữa bệnh từ xa, định kỳ phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này. Hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa và phối hợp cùng các đơn vị CNTT phát triển các nền tảng, các ứng dụng, công cụ trực tuyến để bảo đảm phát triển một chu trình khép kín cho khám chữa bệnh từ xa, việc chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin, bảo vệ thông tin.
Bộ Quốc phòng và Bộ TT&TT chỉ đạo Tập đoàn Viettel và các đơn vị viễn thông triển khai đề án đi kèm với đào tạo, bảo đảm lực lượng vận hành hệ thống ổn định trên toàn quốc. Nâng cấp, phát triển phần mềm liên tục để đáp ứng các nhu cầu; phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám chữa bệnh, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Quản trị y tế thông minh, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, bảo đảm tính bảo mật thông tin… Phối hợp xây dựng và hoàn thành hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Theo VGPĐại diện UOB cho biết, 70% tỷ lệ người khảo sát ở Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh tế của đất nước, cao hơn 18 điểm phần trăm so với mức trung bình của khu vực.