Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao thành công ngành Ngân hàng

Ngân hàng
07:55 PM 27/01/2023

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), chiều 27/1, tại trụ sở NHNN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng.

Cùng dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương. Về phía NHNN, có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, các thành viên Ban Lãnh đạo NHNN, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trực thuộc NHNN, đại diện các ngân hàng thương mại.

Tại buổi gặp mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm, chúc Tết và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức và viên chức ngành Ngân hàng trong ngày làm việc đầu tiên của năm Quý Mão.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao thành công ngành Ngân hàng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 là năm đầy khó khăn thách thức đối với nền kinh tế, ngành Ngân hàng cũng chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự quyết tâm, ngành Ngân hàng đã phát huy bản lĩnh, vững vàng vượt qua khó khăn thách thức và kết thúc năm 2022 đạt được kết quả tích cực; có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, đất nước; góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo Thống đốc, năm 2023 ngành Ngân hàng nhận định còn nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động ngân hàng. Do đó, ngay từ cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã bắt tay vào triển khai công việc quan trọng. Bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01 đưa ra mục tiêu định hướng giải pháp. Trong đó, NHNN giao nhiệm vụ cụ thể từ các vụ, cục trực thuộc NHNN; các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đến các TCTD... triển khai trong năm 2023 để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao thành công ngành Ngân hàng thời gian qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, nhất là mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế năm 2022.

Bước sang năm 2023, ngay những ngày đầu, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ. Chính vì vậy, các hoạt động ngân hàng trong dịp Tết được bảo đảm thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, ngay cả với những giao dịch ở ngoài nước đều được thực hiện 24/24, góp phần cùng cả nước đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Mặc dù tình hình dự báo có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhưng với những kết quả đã đạt được, Thủ tướng mong muốn ngành Ngân hàng thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn, kết quả tốt hơn trong năm 2023 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhận định năm 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu năm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ, quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sang tạo, kịp thời hiệu quả" đã được Chính phủ xác định.

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng rà soát cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội, không cầu toàn.

Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; không để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tốt mà lại thiếu vốn. Thủ tướng nhấn mạnh, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng, điều quan trọng là hướng dòng vốn đi đúng hướng.

Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao thành công ngành Ngân hàng - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi gặp mặt. Ảnh SBV

Theo Thủ tướng, tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo.

Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thủ tướng yêu cầu mạnh dạn tuyên truyền để người dân yên tâm về vấn đề này trên tinh thần đã hứa thì phải làm, đã làm phải hiệu quả.

Tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống; tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhưng ai làm sai thì phải bị xử lý; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và cảnh báo, chấn chỉnh các biểu hiện vi phạm, các việc làm chưa đúng; ai yếu kém, ai sợ làm thì đứng sang một bên.

Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các tổ chức tín dụng; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại đã được cấp có thẩm quyền cho phép. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các TCTD; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM đã được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Thủ tướng tin tưởng rằng, ngành ngân hàng sẽ phát huy truyền thống, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, năm mới thắng lợi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, nhân dân trông đợi, doanh nghiệp chờ đón.

Thay mặt ngành Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ quyết tâm tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2023.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.