Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Hà Nội phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch'
"Thực hiện Chỉ thị 15, 16 phải rất nghiêm túc, tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện, bởi bài học kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy những ngày đầu thì thực hiện nghiêm nhưng những ngày sau lơ là, chủ quan, khiến dịch bùng phát mạnh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với TP. Hà Nội về một số vấn đề trọng tâm, cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lớn về cơ chế chính sách để thành phố có điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Tại đấy, lãnh đạo thành phố Hà Nội báo cáo, trước những diễn biến phức tạp hơn, Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Thành phố cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung liên quan đến định hướng phát triển Thủ đô; tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố; hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần nỗ lực, quyết tâm và những kết quả bước đầu mà mà Chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được trong 6 tháng qua.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng đặc biệt yêu cầu thời điểm này, phải ưu tiên số 1 cho phòng chống dịch, quyết tâm bảo vệ bằng được Thủ đô, bảo vệ sự an toàn an ninh cho nhân dân, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, cố gắng dành nguồn lực tốt nhất chữa trị cho các ca bệnh nặng.
Thủ tướng đề nghị thành phố phải quyết tâm hơn, mạnh mẽ quyết liệt hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm trong phòng chống dịch. Thực hiện Chỉ thị 15, 16 phải rất nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện bởi bài học kinh nghiệm ở một số nơi cho thấy những ngày đầu thì thực hiện nghiêm nhưng những ngày sau lơ là, chủ quan, khiến dịch bùng phát mạnh.
Thủ tướng yêu cầu thành phố cố gắng nhiều hơn; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển; đảm bảo môi trường sống, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường phân cấp phân quyền; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, hạ tầng chiến lược. Thủ tướng nhấn mạnh: "Tinh thần là Chính phủ luôn sẵn sàng, đồng hành cùng thành phố để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề tồn đọng vì sự phát triển của Thủ đô".
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, TP đã tổ chức tiêm được 210.868 mũi tiêm vaccine cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là các lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân tại các khu công nghiệp và các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ.
Về tình hình kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm khởi sắc khá rõ nét so với cùng kỳ năm 2020. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, GRDP Quý II tăng trưởng 6,61% góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đạt 5,91%, cao hơn mức tăng chung cả nước (5,64%) và cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020 (2,92%).
Duy trì không đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Kim ngạch nhập khẩu tăng 22,3%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,2%; 13.172 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4%, 5.821 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 79%. Tổng thu NSNN trên địa bàn là 125.562 tỷ đồng, đạt 53,3% dự toán Trung ương giao, bằng 107,7% so với cùng kỳ.
Hà TrầnTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.