Thủ tướng: Phấn đấu đưa nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại
Chiều ngày 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc đối thoại lần 3 với nông dân tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Hội nghị đối thoại lần này có chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại", với sự tham dự của hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước.
Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp luôn là mỏ vàng nhưng nếu không biết khai thác thì cũng sẽ cạn kiệt và kém hiệu quả. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam hoàn toàn có khả năng vào tốp 10, thậm chí tốp 5 thế giới trong những thập niên tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh
Hơn 1.400 câu hỏi của nông dân cả nước, trong đó đa số là câu hỏi của nông dân miền Trung-Tây Nguyên gửi tới cuộc đối thoại. Tại hội trường, các nông dân đã trực tiếp đặt ra 22 câu hỏi đối với Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành.
Đây là cuộc đối thoại thứ 3 của Thủ tướng với nông dân sau 2 lần đối thoại với nông dân tại miền Nam và miền Bắc.
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi cuộc đối thoại hôm nay có sự tham dự của 15 cơ quan liên quan đến các vấn đề nông dân quan tâm, bao gồm các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
“Rất mong 350 đại biểu nông dân hôm nay đặt câu hỏi cho sát vấn đề để giải quyết không chỉ vấn đề kinh tế mà cả xã hội ở nông thôn, đặc biệt là khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, Thủ tướng phát biểu và khẳng định, Đảng, Nhà nước muốn nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, “có kiến nghị, khó khăn gì để cùng tháo gỡ, giải quyết”, để làm sao nông nghiệp, nông thôn tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của mình.
Qua thực tiễn cuộc sống, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế qua các thời kỳ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu. Việt Nam giữ được tăng trưởng dương là nhờ có trụ đỡ là nông nghiệp, nông thôn. Dự kiến năm nay, ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, là một trong những nước dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu nông sản.
Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp, giai cấp nông dân đã phát triển ở giai đoạn cao, rất đáng mừng. Cơ bản trong năm nay, nông nghiệp được mùa, trúng giá, cả lúa gạo, thủy sản, trái cây, gỗ rừng trồng…, “có thể nói một nền nông nghiệp thắng lợi toàn diện”. Tuy vậy, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều trăn trở, khó khăn về nông nghiệp, nông thôn, người nông dân cần phải tháo gỡ mà cuộc đối thoại hôm nay góp phần vào việc tháo gỡ đó.
Về khó khăn cụ thể, Thủ tướng cho rằng, trước hết là thị trường. Thứ hai là công nghiệp chế biến, tỷ lệ còn thấp. Thứ ba là vấn đề vốn. Vấn đề nữa là đầu vào nông nghiệp, gồm giống, phân bón…, làm sao có giống tốt, không còn tình trạng sản xuất, phân phối giống giả, phân bón giả…
Cũng tại đối thoại, Thủ tướng đặt ra 2 vấn đề lớn là làm sao hình thành lớp nông dân mới với tư duy mới, đổi mới, chứ không mãi “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và tinh thần tự lực tự cường của người nông dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân, Thủ tướng mong muốn, “bà con suy nghĩ phải làm gì để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.
Sau hội nghị đối thoại với nông dân miền Trung-Tây Nguyên, chiều tối 28/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk về tình hình thực hiện mục tiêu kép.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Đắk Lắk đã có sự cố gắng lớn, nhiều mặt, liên tục nên đã đạt được nhiều thành tựu trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Tăng trưởng đạt khá tốt và đang phấn đấu ở mức cao hơn (10,3%) đến hết năm 2020. Thu hút đầu tư được chú trọng cả trong và ngoài nước với nhiều nhà đầu tư đăng ký các dự án mới trong các lĩnh vực trên địa bàn. Thu ngân sách đạt khá, đặc biệt, quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 sắp tới, Thủ tướng đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị nội dung, hoàn thiện các dự thảo văn kiện với quyết tâm chính trị cao nhất; phát huy dân chủ; nghiên cứu kỹ tình hình, đặc thù của địa phương; đoàn kết, quyết tâm xây dựng Đắk Lắk; tìm ra hướng phát triển phù hợp nhất cho chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Định hướng các giải pháp phát triển cho Đắk Lắk.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021 để nâng cao quy mô, chất lượng nền kinh tế; bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh hiệu quả, làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Cùng với đó là làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh của địa phương trung tâm vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và chú trọng hơn nữa đến việc cải thiện, nâng cao đời sống bà con các dân tộc trên địa bàn. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Đắk Lắk với các vùng kinh tế lớn của đất nước; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.