Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025
Ngày 15/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Đây là một bước ngoặt quan trọng của công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số của Việt Nam nói riêng.
Cụ thể, tại chiến lược đã nêu, đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tối thiểu 20% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước được cắt giảm so với hiện nay.
Đồng thời, 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần.
Ngoài ra, 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động...
Để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược đề ra nhiệm vụ trọng tâm quốc gia đó là hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.
Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở mức luật, tạo điều kiện phát triển Chính phủ số giai đoạn mới; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Lưu trữ để có quy định về lưu trữ điện tử, tạo điều kiện pháp lý cho việc thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn trong hoạt động và quy trình làm việc của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện phát triển Chính phủ số; ban hành Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước để phù hợp với xu thế phát chuyển đổi số của Việt Nam…
Cùng với đó, phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã trên cơ sở Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng của các bộ, ngành, địa phương, mạng Internet băng rộng để phục vụ Chính phủ số; phát triển các nền tảng để cung cấp dịch vụ thiết yếu, cơ bản trên quy mô quốc gia, các nền tảng thương mại điện tử, giao nhận - kho vận phục vụ phát triển kinh tế số...
Nếu như trước đây, thông thường, phát triển Chính phủ điện tử đặt ra mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội tốt hơn. Bản chiến lược này còn đặt mục tiêu trang bị công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, đó là trợ lý ảo hay những nền tảng làm việc, cộng tác trên môi trường số.
Điểm mới, trọng tâm, đột phá của chiến lược còn nằm ở chỗ: Lần đầu tiên, các địa phương sẽ xây dựng phương án bảo đảm kinh phí hàng năm từ ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, phấn đấu tỷ lệ chi cao hơn mức trung bình trên thế giới. Các nước hiện dành tỷ lệ chi khoảng 1-2% tổng chi ngân sách nhà nước cho Chính phủ số, cá biệt, một số nước như Singapore, Hàn Quốc dành tỷ lệ chi cao hơn.
Nền tảng số được xác định là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển Chính phủ số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nền tảng được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngay dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư, tự vận hành.
Việc thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số sẽ làm thay đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, từ đó làm giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội. Đồng thời, chuyển đổi cách thức tổ chức, vận hành, môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Phạm ThủyTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.