Thủ tướng phê duyệt dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1
Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng, tương đương gần 4,67 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Theo thiết kế, giai đoạn 1 dự án sẽ gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2020 đến 2025.
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 là các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. Người đứng đầu Chính phủ giao các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như hải quan, công an, cảng vụ, kiểm dịch y tế... bố trí nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình.
Trong trường hợp các cơ quan không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án thành phần 2 là các công trình phục vụ quản lý bay được giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 3 là các công trình thiết yếu trong cảng hàng không như nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, nhà để xe, hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2... Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư của dự án này.
Dự án thành phần 4 là các công trình khác, được thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ Giao thông vận tải chủ trì lựa chọn.
Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng, các dự án thành phần 2, 3, 4 chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Trước đó Hội đồng thẩm định Nhà nước cho biết suất vốn đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 thuộc nhóm ngưỡng cao của các cảng hàng không trên thế giới. Dự án có suất đầu tư gần 4,67 tỷ USD/25 triệu hành khách giai đoạn 1, tương đương khoảng 188 triệu USD/một triệu hành khách.
Sân bay Long Thành là dự án cảng hàng không trọng điểm phía Nam, được xây dựng nhằm san sẻ áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất và tạo động lực phát triển ngành. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 5.000 ha, được quy hoạch theo 3 giai đoạn đến năm 2040 gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm.
Xuân TrườngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.