Thủ tướng: Thống nhất chuyển từ 'Zero Covid' sang thích ứng, kiểm soát dịch

Đầu tư và Tiếp thị
05:44 PM 25/09/2021

Tại cuộc họp với 63 tỉnh, thành về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, mục tiêu để để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Sáng ngày 25/9 đã diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại buổi họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Mục tiêu của quan điểm nhằm để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng cho biết, sau gần 2 năm đối mặt với Covid-19, chúng ta đã hiểu hơn về virus, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc chống dịch.

Cụ thể, khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình thì tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.

Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tỉnh Hà Nam, Kiên Giang, TP. Đà Nẵng vừa qua đã phát hiện ra ca mắc nhờ xét nghiệm tầm soát, từ đó khoanh vùng, dập dịch ở phạm vi nhỏ nhất có thể, tới từng hộ gia đình, từng thôn, ấp, khu dân cư, xét nghiệm thần tốc diện rộng theo địa bàn, đối tượng nguy cơ.

"Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân", Thủ tướng cho hay.

Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

Liên quan đến những điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự thảo hướng dẫn tạm thời được xây dựng trên cơ sở thực tiễn chống dịch gần 2 năm qua, kinh nghiệm của các địa phương, tham khảo kinh nghiệm thế giới, các hướng dẫn của WHO, các ý kiến chuyên gia.

Về tình hình, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời. Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.

Về công tác xét nghiệm, Thủ tướng lưu ý, xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là xét nghiệm đại trà, xét nghiệm toàn bộ người dân.  

“Tất cả các giác quan của chúng ta, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe, tay sờ đều không phát hiện được virus, khám lâm sàng cũng không phát hiện được sớm. Vậy thì cách duy nhất để tìm ra virus là xét nghiệm thôi, nhưng xét nghiệm sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả”, người đứng đầu Chính phủ cho hay.

Quỳnh Anh
Ý kiến của bạn
Đề xuất giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025 Đề xuất giảm 2% thuế VAT 6 tháng đầu năm 2025

Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế này trong hai quý đầu năm 2025 sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động…