Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp càng khó khăn càng phải đoàn kết vươn lên
Sáng 26/9, khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam cùng 36 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cũng tham gia.
Doanh nghiệp tìm cách thích ứng khôi phục và phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. Chúng ta đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới.
Nhấn mạnh quan điểm hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.
Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. "Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Một số đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là "vô cùng nhiều, vô cùng lớn". Tuy nhiên, tinh thần diễn đàn hôm nay là không phải để kêu khó, kêu khổ mà để bàn giải pháp, nên ông chỉ nêu ra một số ý chính về khó khăn, còn lại hướng đến các giải pháp.
Trước hội nghị, VCCI nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp. Bản báo cáo dày 52 trang đã được VCCI tổng hợp lại với phụ lục đến 192 kiến nghị cụ thể, gửi đến đại biểu dự hội nghị.
Về khó khăn, Chủ tịch VCCI nêu, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác thì cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 đơn vị phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Phổ biến nhất là ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung. Một số ngành được điểm tên như du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải... đến từ chi phí tăng vọt, thiếu lao động, công suất giảm...
Gặp nhiều khó khăn, nhưng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp". Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế…
Tại Hội nghị, Bộ KH&ĐT đã có một số đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bộ này kiến nghị khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Bộ KH&ĐT cũng tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Bộ KH&ĐT đề xuất khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80 ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025. Bộ KH&ĐT đang gấp rút đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Lưu ĐoànMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.