Thủ tướng tin tưởng vào tương lai chung tốt đẹp của Việt Nam và cộng đồng quốc tế
Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng của các nước và người dân trên toàn thế giới. Nhiều nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam, đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong đấu tranh vì độc lập, phát triển đất nước và nay đang có những đóng góp quan trọng. Tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe, tôn trọng.
Tối 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã chủ trì lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2020).
Cùng dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hà Nội và TPHCM.
Về phía đoàn Ngoại giao có ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao; các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếng hô vang Lời thề Độc lập trong ngày lập nước, như đã kết nối muôn con tim người dân đất Việt đoàn kết cùng nhau, chung sức, đồng lòng giương cao Cờ đỏ sao vàng tiến lên trong quá trình cách mạng, vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết của dân tộc và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân. Đó vốn là những quyền đương nhiên của mỗi dân tộc, nhưng người dân nước Việt đã phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ mới giành được và trong tâm luôn khắc ghi chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ngày nay, tiến bước mạnh mẽ trên con đường 75 năm cách mạng vẻ vang, Việt Nam đang vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. “Chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện; ổn định chính trị-xã hội được giữ vững; quốc phòng-an ninh được bảo đảm; thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hòa bình, hợp tác tại khu vực và trên toàn cầu”, Thủ tướng nói.
Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần, ý chí mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, khẳng định vai trò là người bạn, đối tác tin cậy của bạn bè và đối tác quốc tế.
Ngày 27/8, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phát biểu đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong quá trình tham gia LHQ từ năm 1977. Việt Nam đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu phát triển của LHQ, tích cực tham gia gìn giữ hòa bình, an ninh và nhấn mạnh: “Quốc khánh lần thứ 75 của Việt Nam trùng với năm Chủ tịch ASEAN và nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an. Điều này cho thấy sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trên trường quốc tế”.
“Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự ủng hộ quý báu, hợp tác hiệu quả của các bạn và toàn thể cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng bày tỏ.
Năm 2020 là một năm đặc biệt, bởi đại dịch COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế, mà đang làm đảo lộn tình hình thế giới với những thiệt hại to lớn về sức khỏe, sinh mạng con người; làm suy giảm nghiêm trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư; gây bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội và tác động mạnh đến các quan hệ quốc tế trên toàn cầu. Ngay lúc này, chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và dự báo là dịch chưa thể kết thúc trong tương lai gần. Đồng thời, đại dịch cũng cho thấy các quốc gia tùy thuộc vào nhau và hợp tác quốc tế là rất cần thiết.
Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỷ USD. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo xếp hạng sức khoẻ tài chính của tạp chí Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch. Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch COVID-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả.
Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho 40 quốc gia, tổ chức. Từ tháng 2/2020 đến nay, đã có 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới, G20, IPU, Phong trào Không liên kết.
Trong nỗ lực thực hiện các trọng trách quốc tế, Thủ tướng cho rằng, toàn cầu hóa, liên kết và hội nhập quốc tế dù đang gặp nhiều khó khăn, trắc trở nhưng vẫn là xu thế lớn đưa nhân loại phát triển. “Chúng ta hãy chung tay để toàn cầu hóa trở nên bền vững, nhân văn và an toàn hơn trong thời gian tới”. Chúng ta cũng cần cùng nhau cải cách các thể chế đa phương theo hướng hiệu quả hơn, mang tính đại diện và thích ứng tốt hơn. Trong đó, LHQ ở vị trí trung tâm, các tổ chức như ASEAN là bộ phận hợp thành để xây dựng trật tự quốc tế công bằng và bền vững. Việt Nam luôn tích cực trong tiến trình này.
Theo Thủ tướng, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là nguyện vọng của các nước và người dân trên toàn thế giới. Trong các quan hệ quốc tế, mọi dân tộc, mọi quốc gia cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của nhau. “Nhiều nước nhỏ và vừa, trong đó có Việt Nam, đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ trong đấu tranh vì độc lập, phát triển đất nước và nay đang có những đóng góp quan trọng. Tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe, tôn trọng”. Chúng ta cần hợp tác chặt chẽ để đạt hiệu quả hơn trong phòng, chống dịch COVID-19 và sản xuất, tiêu thụ vaccine; ứng phó với các dịch bệnh khác trong tương lai. Đồng thời, không chủ quan trước các nguy cơ an ninh phi truyền thống như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, thiên tai...
Tương lai của Việt Nam song hành với hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó đoán định, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ cùng các nước phòng chống đại dịch hiệu quả cũng như cùng phục hồi, phát triển kinh tế.
“Trong những tháng qua, cuộc sống của quý vị tại Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều hoạt động đối ngoại bị đình hoãn, nhiều vị chưa có dịp về nước và đoàn tụ với người thân... Tôi thấu hiểu và đánh giá cao tinh thần chia sẻ và đoàn kết của quý vị đối với Việt Nam. Tôi cũng vui mừng được biết trong tất cả các đại sứ quán, cơ quan đại diện quốc tế tại Việt Nam, mọi người đều an toàn, khỏe mạnh. Đó là điều rất đáng chúc mừng”, Thủ tướng chia sẻ. Khi Xuân sang, người dân Việt Nam có “Tết Dân tộc” và khi tiết trời vào thu dịu mát, người dân có “Tết Độc lập” - ngày 2/9, mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc. “Tôi tin rằng trong những ngày thu lịch sử này, quý vị có thể chứng kiến không khí cởi mở, phấn khởi, tràn đầy niềm tin về tương lai đất nước của người dân, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Việt Nam cũng như quốc tế”.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy hợp tác với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các khác biệt bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
“Dù khó khăn biết mấy, người Việt Nam chúng tôi vẫn thường lạc quan rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”. Tôi tin tưởng vào tương lai chung bừng sáng tốt đẹp của Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng nói.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao cho rằng, ngày Quốc khánh 2/9 luôn là mốc son lịch sử mang ý nghĩa thiêng liêng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Lý tưởng, khát vọng về Độc lập, Tự do và Hạnh phúc đã trở thành sức mạnh to lớn đưa toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, đồng thời là nguồn cảm hứng, khích lệ bất tận cho các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập và tự do. Những thành tựu đáng ngưỡng mộ của gần 35 năm đổi mới đưa Việt Nam chuyển mình thành một điểm sáng của khu vực là minh chứng rõ ràng cho đường lối phát triển đúng đắn. Sự hội nhập toàn diện, chủ động đã ghi lại những dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế, bằng những đóng góp tích cực cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Năm 2020 là một năm đáng nhớ khi Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch COVID-19 hiệu quả, được quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm đương trọng trách Chủ tịch ASEAN trong một năm đầy biến động, khẳng định vai trò trung tâm trong việc gắn kết các quốc gia để chủ động thích ứng với tình hình mới. “Tôi cũng đánh giá cao đóng góp của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đóng góp vào nỗ lực bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế, vì một thế giới hòa bình, công bằng và tốt đẹp cho mọi dân tộc chúng ta”, Đại sứ nói.
Nhân dịp này, thay mặt Đoàn Ngoại giao, Đại sứ Saadi Salama bày tỏ sự cảm kích đối với Chính phủ và các cơ quan hữu quan Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng mến khách đã dành cho những nhà ngoại giao trong công việc cũng như cuộc sống. “Chúng tôi cũng khẳng định sự sẵn sàng và quyết tâm tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy và phát triển hơn nữa mối quan hữu nghị và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế thông qua hợp tác hòa bình và cùng có lợi vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển”.
Đức TuânBộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng và tỉnh Yên Bái 30 tỷ đồng để hỗ trợ khẩn cấp cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả do bão số 3.