Chính Phủ với hàng loạt quyết sách khơi thông sản xuất kinh doanh giữa đại dịch Covid-19

Chính trị - xã hội
01:38 PM 11/09/2021

Trong tuần vừa qua (từ ngày 4-10/9), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục các hoạt động chỉ đạo sâu sát và kịp thời tới các địa phương, tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ đó ban hành hàng loạt các quyết sách vừa kiểm soát tốt hơn đại dịch Covid-19, vừa khơi thông sản xuất kinh doanh, nhằm mục tiêu sớm khôi phục và phát triển kinh tế. Đáng kể trong đó có Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Thủ tướng với hàng loạt quyết sách khơi thông sản xuất kinh doanh giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản và bảo đảm an sinh xã hội

Hôm qua, ngày 10/9/2021, tại văn bản 6223/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tiêu thụ nông sản, kịp thời hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm nông sản đến vụ thu hoạch.

Văn bản trên xuất phát từ thực tế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc chế biến, tiêu thụ nông sản tại một số địa phương phía Nam, nhất là tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai gặp khó khăn, dẫn tới một số mặt hàng nông sản đến vụ bị tồn đọng khối lượng lớn, giá giảm sâu, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung thời gian tới.

Cũng hôm qua, tại văn bản số 6324/VPCP-KGVX ngày 10/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Bình Dương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại về hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân; bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định.

Để tháo gỡ khó khăn cho kinh tế du lịch, tại văn bản số 6345/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cơ quan, đơn vị liên quan, có văn bản lấy ý kiến các tổ chức, đoàn thể xã hội đại diện cho nhân dân Phú Quốc, các hiệp hội, các doanh nghiệp liên quan để xây dựng, ban hành kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, qua xem xét kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp, kịp thời; tiếp tục phối hợp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản nói chung và thủy sản nói riêng trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp…

Thủ tướng với hàng loạt quyết sách khơi thông sản xuất kinh doanh giữa đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Trong Nghị quyết 105, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh

Đáng kể nhất trong tuần qua, ngày 9/9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

1. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Cụ thể hơn, Nghị quyết 105 này có nhiều điểm mới trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể.

Một trong số đó là doanh nghiệp, hộ kinh doanh được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm. Điều này, theo nhiều doanh nghiệp, mang nhiều ý nghĩa, góp phần giúp họ giảm gánh nặng chi phí cũng như áp lực phải tập trung xét nghiệm đông người. Theo yêu cầu của Nghị quyết, Bộ Y tế trong tháng 9 sẽ ra hướng dẫn họ mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, tự xét nghiệm và công nhận kết quả đó. Việc này để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì sản xuất.

Để người lao động sớm tham gia lưu thông vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế sẽ phải hướng dẫn cho các địa phương việc xét nghiệm, điều kiện cụ thể với những đối tượng này.

Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vaccine, Bộ Y tế được giao hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể. Địa phương được chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trở lại. Các địa phương cũng phải phối hợp với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn và phù hợp với điều kiện.

Để tránh hàng hoá bị tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông và Vận tải hướng dẫn các địa phương thống nhất luồng xanh vận tải với nguyên tắc đơn giản hoá thủ tục; không quy định thêm các điều kiện, giấy phép, đặc biệt với hàng hoá thiết yếu cho đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất.

Để tránh ách tắc khi thông quan, Tổng cục Hải quan sẽ cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số với các chứng từ phải nộp bản giấy dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực. Các giấy tờ này sẽ được nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

Thay vì quá nhiều ứng dụng như hiện nay, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 9 xây dựng nền tảng công nghệ số tích hợp các hoạt động gồm tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh... Điều này nhằm đảm bảo thông tin tập trung, chính thống, thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ dân.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung hỗ trợ giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Các giải pháp theo đó tập trung vào miễn, giảm, giãn đóng bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn (trong năm 2021-2022); hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động từ kết dư bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn; xem xét lại giá cước vận tải biển, giảm giá điện, giãn, giảm thuế, lệ phí, tiền thuê đất, miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và 2021; cơ cấu thời hạn trả nợ ngân hàng, giảm lãi phí với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian áp dụng...

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 va giảm lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước... sẽ được Chính phủ xem xét.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động, chuyên gia sang Việt Nam làm việc, các địa phương được Chính phủ yêu cầu linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về cấp, gia hạn xác nhận giấy phép, phù hợp với bối cảnh mới nhưng phải tuyệt đối an toàn về phòng chống dịch.

Lưu Đoàn
Ý kiến của bạn