Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 30/6/2022

Cải cách hành chính
10:04 PM 01/03/2022

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 209/CĐ-TTg về việc sắp xếp tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, khẩn trương rà soát và đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy bên trong của các bộ, ngành theo Thông báo số 16/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 21/1/2022 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập trước ngày 30/6/2022 - Ảnh 1.

Trước ngày 30/6/2022, các bộ, ngành phải giảm 10% các đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình (có đề án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong kèm theo) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định; và tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo quy định.

Trường hợp các nội dung còn có ý kiến khác nhau (chưa thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp) thì bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Thời gian gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 3/2022.

"Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không quy định trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành), các bộ, ngành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập" Thủ tướng yêu cầu.

Việc sắp xếp thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tiêu chí, điều kiện thành lập, có tính kế thừa và phát huy kết quả triển khai sắp xếp giai đoạn 2017-2021, tránh cào bằng, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Việc sắp xếp lại thực hiện trên cơ sở chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định.

"Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, các bộ, ngành chủ động phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xây dựng phương án chuyển về địa phương hoặc về bộ quản lý ngành, lĩnh vực để thống nhất đầu mối quản lý, thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cơ chế tự chủ, khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm tính ổn định và phát triển. Thời gian hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập xong trước ngày 30/6/2022.

Đối với các địa phương, về tổ chức hành chính, các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy định.

Về các đơn vị sự nghiệp công lập, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, đồng thời chủ động xây dựng phương án tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, ngành chuyển về địa phương và thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế tự chủ, khuyến khích các đơn vị nâng cao mức độ tự chủ về tài chính để bảo đảm tính ổn định và phát triển.

Thủ tướng đề nghị các đơn vị sự nghiệp công lập khác (không cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu) cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Quang Dũng
Ý kiến của bạn