Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ

Chính trị - xã hội
04:23 PM 23/10/2021

Sáng 23/10, Thủ tướng có Công điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng các bộ, ngành liên quan, các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Định, về việc chủ động ứng phó với mưa lũ ở miền Trung những ngày tới.

Công điện nêu rõ những ngày vừa qua, Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuất hiện mưa lớn gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương, làm một số người bị chết, mất tích. Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, mất mát của người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 23-25/10, mưa lớn diện rộng tiếp diễn ở khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên. Tại Quảng Trị đến Quảng Ngãi, tổng lượng mưa có thể đạt 200-380 mm, có nơi trên 430 mm.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến ngày 27/10, áp thấp nhiệt đới hoặc bão tiếp tục ảnh hưởng đến miền Trung. Đây là khu vực vừa trải qua mưa lớn, đất bão hòa nước nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cụ thể với tỉnh, thành và các ngành, các cấp.

Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị thiệt mạng, gia đình chính sách; tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương; cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho những hộ bị mất nhà, không để người dân bị đói, rét.

Đồng thời, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lũ mới theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Thủ tướng lưu ý, các địa phương trên chủ động rà soát phương án, sẵn sàng huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực có thể xảy ra ngập sâu, chia cắt, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã xảy ra mưa lớn vừa qua và đã xảy ra sạt lở đất năm 2020. Lưu ý bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại nơi sơ tán, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân.

Tổ chức thông tin, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn, đặc biệt đối với các hồ đập xung yếu, đã đầy nước.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo; kiểm soát giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu...

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.