Thừa điện mặt trời, năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh công suất NLTT
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo do sự tăng trưởng đột biến.
Trong năm 2020, ngành điện chứng kiến sự tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Do vậy, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh năng lượng tái tạo thay vì con số 365 triệu kWh trong năm nay (gấp 3,56 lần).
Trong đó, có hơn 500 triệu kWh do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500KV. Số liệu từ tháng 6/2020 cho thấy, sản lượng điện mặt trời áp mái đạt 6.000 MWp, nhưng đến tháng 12/2020 con số này đã tăng lên tới 10.000 MWp.
Ông Ninh cho biết, việc tiết giảm sản lượng điện mặt trời chủ yếu do quá tải lưới nội vùng ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Trong các giờ thấp điểm trưa không thể dừng giảm các nguồn khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo, nếu tính theo tỉ trọng mà không phải theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa thì tỉ trọng lên tới 50-60%, đặc biệt các ngày cuối tuần.
Theo đó, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị EVN phê duyệt phương thức phân bổ nghĩa vụ cắt giảm công suất điện mặt trời áp mái và điện mặt trời mặt đất.
Ngoài ra, Trung tâm cũng kiến nghị EVN có báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, phê duyệt nguyên tắc huy động nguồn năng lượng tái tạo khi hệ thống thừa nguồn hoặc quá tải lưới điện, chủ trì cuộc họp để thông báo với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo các phát sinh cũng như giải pháp xử lý để phối hợp với EVN thực hiện việc giảm phát một cách công bằng, minh bạch cho đến khi xử lý dứt điểm vấn đề thừa nguồn cung và quá tải.
Về vấn đề phát triển ồ ạt điện mặt trời áp mái thời gian qua, tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu EVN phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng tiêu chí phát triển điện mặt trời áp mái, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Trước đó, Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cũng từng cho biết, trong 34 dự án điện gió, điện mặt trời của tỉnh đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 2.354MWm, hiện nay cũng đang tồn tại một số dự án bị cắt giảm công suất. Theo tỉnh, việc cắt giảm này làm thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt việc trả lãi đối với ngân hàng.
Thái QuỳnhBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.