Thừa Thiên Huế: Ca thứ 5 dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện, tỉnh chỉ đạo khoanh vùng, truy vết

Địa phương
09:36 AM 14/05/2021

Ca bệnh thứ 5 của Thừa Thiên Huế là Bà V.T.C (BN3660), 58 tuổi, ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; là F1 của BN3618, BN3619, đã được cách ly từ trước. Hiện bệnh nhân đã được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2

Lịch trình di chuyển của BN3660 ở Thừa Thiên Huế : Trước ngày 08/5/2021, Bà V.T.C ở và giúp việc cho gia đình là Trần Thị Huê, Trần Lê An ở địa chỉ số 62 Nguyễn Quý Đức, Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Quá trình tiếp xúc như sau: Ngày 11/5/2021 Trần Lê Thị Phương phát hiện dương tính với COVID-19 (mã bệnh 3547), thì chủ nhà ở Trần Thị Huê, Trần Lê An là F1 của ca bệnh Trần Lê Thị Phương tại thành phố Đà Nẵng; Ngày 12/5/2021 Trần Thị Huê, Trần Lê An được xác định là dương tính với COVID-19 (mã bệnh lần lượt là 3618, 3619) tại thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, ngày 08/5/2021: Lúc 10h30 Bà V.T.C ra tới nhà ở tổ dân phố 6, thị trấn Phú Lộc bằng xe Buýt, không nhớ được biển số xe. Đến nhà có tiếp xúc với chồng (01 người), và có đến nhà người thân. Ngày 09/5/2021: đi chợ Cầu Hai, thị trấn Phú Lộc và có tham gia nấu giỗ, tiếp xúc nhiều người.

Ngày 11/5/2021: Lúc 8h30 đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc với triệu chứng ho, rát họng. Tại Bệnh viện được tổ chức cách ly y tế và chỉ định lấy mẫu PCR. Lúc 09h Trung tâm Y tế Phú Lộc nhận thấy đối tượng có yếu tố dịch tễ, có triệu chứng bệnh liên quan đến COVID-19 nên thực hiện cách ly y tế tại Bệnh viện, lấy mẫu xét nghiệm PCR và tổ chức điều tra dịch tễ.

Trước diễn biến phức tạp của các ca nhiễm mới SARS-CoV-2 trên địa bàn, ngay trong chiều 13/5 ,Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 triển khai ngay cuộc họp khẩn, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung truy vết nhanh, khoanh vùng các điểm dịch, xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực dẫn đến dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

Liên quan đến bệnh nhân 3660, trường hợp hợp thứ 5 nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng vẫn còn lỗ hổng trong khai báo y tế và giám sát công dân trở về địa phương, việc nắm tình hình địa bàn vẫn có nơi còn lơi lỏng, đề nghị các đơn vị, địa phương sớm chấn chỉnh những sai sót như trên, không để tái diễn trong thời gian tới. Yêu cầu bằng mọi giải pháp phải truy vết nhanh tất cả các trường hợp F1 liên quan đến Bệnh nhân 3660. Đồng thời đề  nghị công an tỉnh phải tham mưu giải pháp cụ thể và khẩn trương. Việc truy vết phải thực hiện hiện như trinh sát, như điều tra mới có hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các lực lượng đã nỗ lực, vất vả trong những ngày qua, nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế vẫn còn trường hợp lơ là, chủ quan. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, những sai sót, chủ quan cần được chấn chỉnh, xử lý để làm gương cho các trường hợp khác. Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kêu gọi người dân vì sức khỏe cộng đồng và chính mình, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước phải gương mẫu, đi đầu, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng; giải quyết dứt điểm các điểm dịch hiện có, không để phát sinh các điểm dịch mới.

Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương tầm soát cho những đối tượng từ Đà Nẵng trở về, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm về số lượng tầm soát. Đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại các trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần để Ban chỉ đạo có thể điều chỉnh trạng thái phong tỏa, giãn cách ở một số địa phương.

Thừa Thiên Huế: Ca thứ 5 dương tính  SARS-CoV-2 được phát hiện, tỉnh chỉ đạo khoanh vùng, truy vết - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo nóng khoanh vùng, try vết

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 12/5/2021 - triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 211/TB-UBND, với những nội dung quan trọng. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu giám đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản phòng chống dịch bệnh tại đơn vị, doanh nghiệp từ thấp đến cao để chủ động ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp; tăng cường quản lý, giám sát nhân viên, công nhân, người lao động, khách hàng... đến từ vùng dịch. Rà soát số lượng nhân viên, người lao động đã đến/đi qua từ vùng dịch trở lại làm việc sau kỳ nghĩ lễ 30/4, 1/5 tại các đơn vị, doanh nghiệp để theo dõi, giám sát dịch tễ và những biểu hiện lâm sàn để có giải pháp kịp thời; nghiên cứu, xây dựng phương án cách ly cục bộ tại phân xưởng, nhà máy... nhằm đảm bảo nguyên tắc vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Phương án phòng dịch của các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc không tiếp nhận người từ vùng dịch đến làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của Tỉnh.

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và UBND các địa phương thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh trên địa bàn cũng như cung cấp danh sách các trường hợp f0, f1, f2... liên quan đến các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trong và ngoài các khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Đồng ý bổ sung một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn tham gia tại các cuộc họp trực tuyến triển khai công tác phòng, chống COVID-19 của Ban Chỉ đạo, giao Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh lựa chọn và mời dự họp tại đầu cầu trực tuyến của Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Phân công cụ thể từng lãnh đạo của cơ quan để theo dõi, chỉ đạo, chịu trách nhiệm từng địa bàn phụ trách trong công tác triển khai, giám sát công tác phòng, chống dịch.

Lê Dung - Vũ Bình
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.