Thừa Thiên Huế: Chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong giải ngân vốn đầu tư công

Địa phương
09:55 PM 17/04/2023

Đầu tư công có ý nghĩa quan trọng khi hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung các giải pháp thúc đẩy đầu tư tạo sức bật trong tăng trưởng kinh tế cũng như tạo động lực phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, đầu công đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, vướng mắc trong công tác GPMB là một trong những nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân khác như tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng; giá cả vật liệu tăng đột biến làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Ngoài ra, năng lực nhà thầu thi công hạn chế cũng đang khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp.

Thừa Thiên Huế: Chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ dự án cầu qua cửa biển Thuận An có nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương. (Ảnh: BTTH)

Để giải quyết các tồn tại, khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai một số giải pháp như yêu cầu các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB, đặc biệt là các dự án đang triển khai trên địa bàn TP. Huế. Yêu cầu người đứng đầu các địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện phải xem công tác GPMB đối với các dự án đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nếu các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn do mình quản lý bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác GPMB.

Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư để đảm bảo khởi công các dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh như dự án Tuyến đường bộ ven biển và cầu Thuận An, dự án Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án Đường Vành đai 3 trong năm 2023.

Các chủ đầu tư cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác GPMB, không đẩy hoàn toàn trách nhiệm về phía địa phương. Kịp thời phát hiện và đề xuất tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện dự án, hỗ trợ các đơn vị thi công thực hiện các thủ tục giải ngân theo tiến độ chứ không để dồn khối lượng.

Chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra tiến độ cũng như kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giải ngân và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện cho từng dự án ngay từ đầu năm. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư đăng ký tiến độ tổng thể, chi tiết và cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo từng tháng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung giải quyết công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Đồng thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, vật liệu xây dựng.

Chủ động đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu lãnh đạo các đơn vị chủ đầu tư tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách từng dự án. 

Yêu cầu chủ đầu tư làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện dự án. Đồng thời cũng yêu cầu các sở, ngành chuyên môn tiếp tục đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư và tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thừa Thiên Huế: Chủ động, linh hoạt và hiệu quả trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra dự án chỉnh trang bờ sông Hương kết hợp bến thuyền (Ảnh: BTTH)

Đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, nguồn lực đầu tư công có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Với Thừa Thiên Huế, trong những năm qua đầu tư công đã góp phần tạo nên bộ mặt mới từ đó tạo nên môi trường thuận lợi phát triển kinh tế, thu hút đầu tư đến Huế. Nhất là năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, đầu tư công càng có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, quan điểm, định hướng chỉ đạo điều hành của tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Vì vậy, quá trình triển khai các nhiệm vụ, UBND tỉnh luôn yêu cầu các đơn vị, địa phương phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.