Thừa Thiên Huế chủ động thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX

Địa phương
09:03 PM 26/12/2023

Vừa qua, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc “Giải pháp thúc đẩy thực hiện Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã”.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân chủ trì hội nghị. Ngoài ra còn có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ. Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan quý Phương, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã có hiệu lực thi hành, được sự quan tâm của Chính phủ, chính quyền địa phương. Ngoài Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ thành lập, trên địa bàn cả nước có 50 tỉnh, thành phố đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Trong đó có tỉnh, thành phố tạo nguồn vốn hỗ trợ kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) và giao trực tiếp cho một định chế tài chính trên địa bàn như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ đầu tư phát triển thực hiện cho vay (Quảng Ninh, Tiền Giang). Tuy nhiên, tổ chức hoạt động các Quỹ địa phương rất khác nhau do chưa có khung khổ pháp lý thống nhất. Đa số các tỉnh, thành phố thành lập Quỹ có tổ chức bộ máy hoạt động độc lập, cho vay trực tiếp; một số tỉnh thành lập Quỹ nhưng ủy thác cho định chế khác (Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ đầu tư phát triển).

Thừa Thiên Huế chủ động thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX- Ảnh 1.

Đểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Về tổ chức bộ máy cũng khác nhau, có nơi thành lập Hội đồng quản lý, có nơi thành lập Ban điều hành; nhân sự chủ chốt có nơi do Phó Chủ tịch tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng quản lý, có Quỹ giao Giám đốc Sở Tài chính, nhưng đa phần là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh kiêm nhiệm.

Tình hình nhân sự, nhìn chung các Quỹ vừa thiếu vừa hạn chế về kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn; số đông cán bộ nghiệp vụ Quỹ là cán bộ Liên minh Hợp tác xã kiêm nhiệm, phần lớn chưa được đào tạo bài bản, nhất là nghiệp vụ tín dụng. Về cơ chế cho vay, có Quỹ chỉ cho vay đầu tư (chủ yếu là trung hạn), có Quỹ còn cho vay cả vốn lưu động (ngắn hạn), nhiều Quỹ chỉ cho vay HTX, Liên hiệp Hợp tác xã (LHHTX), có Quỹ còn cho vay đến thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và thành viên.

Mặt khác, lãi suất cho vay cũng đa dạng, có Quỹ vận dụng lãi suất cho vay của Quỹ Trung ương, có Quỹ áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước, một số Quỹ áp dụng lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo cơ sở pháp lý thống nhất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động củ các Quỹ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Cũng theo đó Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021. Tối đa trong vòng 3 năm kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các quỹ hợp tác xã phải rà soát, tổ chức sắp xếp lại. Tuy nhiên, đến nay, việc sắp xếp lại tổ chức hoạt động của các quỹ đã thành lập và thành lập mới ở các tỉnh, thành phố chưa có quỹ đang rất chậm.

Trong 50 quỹ đã thành lập trước thời điểm nghị định ra đời, đến nay, mới có 11 tỉnh, thành phố có quyết định điều chỉnh quyết định thành lập của UBND cấp tỉnh hoặc giải thể để thành lập quỹ theo nghị định; có 39 tỉnh, thành phố chưa tổ chức sắp xếp lại hoạt động của quỹ theo quy định của nghị định. Trong 13 tỉnh, thành phố chưa thành lập quỹ trước thời điểm Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay, mới có 1 tỉnh đã thành lập quỹ, 12 tỉnh, thành phố còn lại chưa thành lập.

Trên cơ sở thực trạng triển khai Nghị định 45/2021/NĐ-CP, Hội nghị đã dành thời gian để các địa phương, bộ, ngành trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định. Đồng thời đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Liên minh HTX các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân triển khai kế hoạch thực hiện nghị định, quy định thời hạn hoàn thành từng công việc; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu, yêu cầu, đảm bảo chất lượng….

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của các địa phương. Đồng thời, khẳng định, Nghị định định 45/2021/NĐ-CP có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh và hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần chủ động, quyết liệt trong các khâu để thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tham mưu cấp ủy, chính quyền bổ sung đủ vốn điều lệ cho quỹ hoạt động. Từ đó củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo các quỹ phát triển lâu dài, bền vững, an toàn, hiệu quả theo quy định của pháp luật, góp phần đổi mới phát triển kinh tế tập thể.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.