Thừa Thiên Huế: Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội nghị tổng kết và trao giấy chứng nhận cho 45 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh năm 2021.
- Thừa Thiên Huế: Quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch khi có ca nhiễm mới
- Thừa Thiên Huế: Tiếp tục tăng cường lực lượng y tế vào TP Hồ Chí Minh chống dịch
- Thừa Thiên Huế: Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và HTX
- Thừa Thiên Huế: Vận dụng công nghệ số trong công tác tiếp dân
- Thừa Thiên Huế: Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII phù hợp với tình hình mới
Tính từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 6 lần bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp huyện, cấp tỉnh; tham dự 5 lần cấp khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và 4 lần cấp quốc gia. Kết quả sau 10 năm, Thừa Thiên Huế có 646 sản phẩm đạt bình chọn cấp huyện, 219 sản phẩm đạt bình chọn cấp tỉnh, 33 sản phẩm cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 7 sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận sản phẩm CNNTTB cấp quốc gia, nâng tổng số sản phẩm của tỉnh đạt bình chọn cấp quốc gia lên 18 sản phẩm.
Và qua hơn nửa năm thực hiện, triển khai từ cấp huyện, thị xã đến cấp tỉnh, Thừa Thiên Huế có 65 sản phẩm của 62 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh. Kết quả bình chọn, có 45 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, có 12 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 29 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông, lâm, thuỷ sản và thực phẩm; nhóm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí có 3 sản phẩm; 1 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm khác.
Đây đều là những sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu, có chất lượng cao tại các địa phương; có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Một số địa phương có nhiều sản phẩm đạt bình chọn cấp tỉnh như: thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Phú Vang.
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, trong số các sản phẩm tham gia, xuất hiện nhiều sản phẩm mới, mỗi xã - phường một sản phẩm (sản phẩm OCOP), sản phẩm có mẫu mã đẹp, tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; có nhiều sản phẩm có khả năng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, sản xuất hàng loạt để phát triển và mở rộng thị trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu của địa phương, đảm bảo thân thiện với môi trường và đã được công nhận các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoặc được các cấp khen thưởng và mang tính nghệ thuật, bản sắc văn hóa Huế.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, để các sản phẩm CNNTTB ngày càng đa dạng, phát triển cả về số lượng và chất lượng, có giá trị gia tăng cao, có thể khẳng định uy tín trên thị trường, Sở Công Thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các DN đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh phí trình diễn mô hình, đầu tư máy móc, nâng cấp thiết bị; các sở, ngành cần tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư hướng vào việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, bảo hộ sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực quản lý, sức cạnh tranh bền vững.
Các huyện, thị xã và TP. Huế cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kết nối, giúp sản phẩm CNNT tiếp cận với thị trường, từng bước hình thành các mô hình sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Mặt khác, mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, công nghiệp công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở cung cấp nguyên liệu đầu vào – doanh nghiệp sản xuất - nhà phân phối nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường cung cấp cho người tiêu dùng.
Các sản phẩm sau khi được bình chọn đã được các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, sở hữu trí tuệ quan tâm hỗ trợ phát triển mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và hỗ trợ xúc tiến mại. Qua đó, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP như tinh dầu Kim Vui, gạo chất lượng Phú Hồ, máy ép củi trấu, hương sạch Tân Nguyên, đàn Tân Châu, mây tre đan Bao La…
Việc bình chọn sản phẩm tiêu biểu góp phần tôn vinh các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có chất lượng, giá trị sử dụng; đồng thời tạo động lực để cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tích cực mở rộng quy mô, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ.
Tại hội nghị tổng kết, Ban tổ chức cũng đã đề cử 25 sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2022.
Lê Dung
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.