Thừa Thiên Huế: Đảm bảo các thủ tục, khởi công dự án Cầu vượt sông Hương đúng tiến độ

Địa phương
07:24 PM 08/05/2022

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo đầu kỳ dự án Cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng, rà soát các nội dung triển khai, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ khởi công dự án vào tháng 9/2022.

Trước đó, ngày 6/1/2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết nghị phê duyệt dự án đường Nguyễn Hoàng và Cầu vượt sông Hương. Tổng mức đầu tư kinh phí dự án là 2.050 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông, thời gian thi công dự án là 4 năm.

Dự án được thiết kế hướng tuyến tổng quát theo đường Nguyễn Hoàng (bờ Bắc sông Hương đoạn gần chùa Thiên Mụ) trùng với tim tuyến đường vành đai 3 đã được phê duyệt. Điểm đầu tuyến tại nút giao đường Lý Nam Đế (đầu cầu An Ninh Hạ) thuộc phường Hương Long, TP Huế. Điểm cuối tuyến là tại nút giao đường Bùi Thị Xuân, thuộc phường Phường Đúc, TP Huế. Tổng chiều dài phạm vi xây dựng đường và cầu là 1,67 km, trong đó chiều dài tuyến thuộc đường Nguyễn Hoàng khoảng 1,08 km; chiều dài tuyến thuộc Cầu vượt sông Hương khoảng 0,59 km. Riêng cầu vượt dài khoảng 380 m, chiều rộng cầu 43 m với 6 làn xe. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển.

Công trình dự kiến được khởi công vào tháng 9/2022. Bản thiết kế cây cầu nhịp vòm với ống bảo vệ cáp treo trang trí theo chủ đề lịch sử của Huế được chọn để xây dựng cầu vượt qua sông Hương. Phương án được chọn là của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R.

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo Cầu vượt sông Hương khởi công đúng tiến độ. - Ảnh 1.

Phối cảnh phương án Cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng

Tại cuộc họp báo cáo đầu kỳ dự án Cầu vượt sông Hương, Ban QLDA Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh và đơn vị tư vấn đã báo cáo về hướng tuyến tổng quan dự án, phương án kiến trúc cầu đã thi tuyển và đạt giải, phương án thiết kế cầu và nút giao,...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, dự án Cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông trong nội đô thành phố Huế trong thời gian 5 năm sắp đến; Chuẩn bị tiền đề cho việc đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường Vành Đai 3 theo quy hoạch đã duyệt; Góp phần thúc đẩy phát triển, kết nối nhanh hơn đến các đô thị vệ tinh lân cận thành phố Huế theo đề án mở rộng TP Huế đã duyệt; khai thác, phát triển quỹ đất lân cận dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan tập trung sớm hoàn thành các nội dung công việc như: công tác thiết kế và công tác thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi; công tác phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu; công tác phê duyệt chi phí lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp...

Thừa Thiên Huế: Đảm bảo Cầu vượt sông Hương khởi công đúng tiến độ. - Ảnh 2.

Công trình dự kiến được khởi công vào tháng 9/2022

Quá trình triển khai phương án thiết kế, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu phải phải đảm bảo về mặt kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, mỹ thuật các nút giao thông hai đầu cầu cũng như hệ thống chiếu sáng về đêm. Tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về kiến trúc thiết kế thi công dự án, đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân sống xung quanh. Yêu cầu địa phương phải làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, có phương án chi tiết ngay từ đầu, chú ý giải pháp thoát nước không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải tập trung phối hợp triển khai các công việc quan trọng theo kế hoạch đã đề ra, đảm bảo các thủ tục để công trình được khởi công vào tháng 9/2022.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.