Thừa Thiên Huế: Định hướng chính sách phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài

Địa phương
09:26 AM 21/03/2023

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức buổi tọa đàm chia sẻ một số bài học liên quan đến chiến lược phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Đại học kinh doanh Copenhaghen - Đan Mạch.

Tỉnh Thừa Thiên Huế trong 10 năm qua (giai đoạn 2013-2022), đã thu hút được 87 dự án, với tổng vốn đăng ký là 2.750 triệu USD, chiếm 74% về lượng và chiếm 63% vốn thu hút cả giai đoạn.

Thừa Thiên Huế: Phát triển chính sách thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Trong đó, nổi bật là dự án Laguna Lăng Cô (Singapore) đã tăng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD; Công ty TNHH Bia Carlberg Việt Nam 107,7 triệu USD; dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn thị xã Hương Thủy với vốn đầu tư đăng ký 74,5 triệu USD, dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế (Nhật Bản) với vốn đăng ký 169,67 triệu USD, dự án Nhà máy Kanglongda (Trung Quốc) với vốn đầu tư đăng ký 206,99 triệu USD và một số dự án lớn khác đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng theo tiến độ cam kết sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian đến.

Tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đã đóng góp khoảng 12% GRDP, chiếm trên 25%/năm tổng thu ngân sách địa phương, đặc biệt trong đó Công ty TNHH Bia Carlberg Việt Nam (Đan Mạch) bình quân hàng năm 2.300-3.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20-25%/năm cho tổng thu ngân sách địa phương, trên 65-70% khối doanh nghiệp nước ngoài; khu vực FDI đã giải quyết hơn 24.500 người lao động trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để thu hút vốn đầu tư nói chung và thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói riêng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nỗ lực đầu tư hạ tầng đảm bảo nhu cầu đầu tư cũng như tích cực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh thông qua các chương trình xúc tiến, quảng bá và cải thiện các chỉ số cấp tỉnh. Bên cạnh đó tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các lĩnh vực mà tỉnh Thừa Thiên Huế có thế mạnh.

Thừa Thiên Huế: Phát triển chính sách thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn, qua buổi tọa đàm này, tỉnh rất mong nhận được những gợi ý, chia sẻ của các chuyên gia về những định hướng, những giải pháp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhất là trong giai đoạn tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những lợi thế sẵn có để có hướng đi bền vững, tương đồng.

Cũng tại buổi tọa đàm, TS. Trần Toàn Thắng – Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp cho biết, thực trạng thu hút FDI theo ngành hiện nay, dòng vốn FDI vẫn tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2022, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới 60,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Mặt khác, từ thực trạng các địa phương thực hiện tốt việc thu hút FDI cho thấy, chính quyền địa phương đã đầu tư tốt cơ sở hạ tầng. Trong đó, xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu về môi trường sống của nhà đầu tư; Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, có tính kết nối. Đồng thời chú trọng phát triển nguồn lao động, trong đó tiến hành liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng như chính sách thu hút lao động.

GS. Ari Kokko - ĐH kinh doanh Copenhagen chia sẻ, việc tăng cường giáo dục sẽ giúp sinh viên tốt nghiệp với yêu cầu cao hơn; nguồn lực linh hoạt, nhờ khả năng học hỏi, từ đó mang đến lợi ích lâu dài. Ngoài ra, giáo dục sẽ giúp hỗ trợ tái cấu trúc và phát triển hài hòa.

Do đó, GS. Ari Kokko – ĐH kinh doanh Copenhagen nhận định, các nhà đầu tư không chỉ tập trung vào việc nhân công giá rẻ để quyết định đầu tư. Song song, các nhà đầu tư quan tâm đến nguồn nhân lực, nhân công có tay nghề cao, có thể đáp ứng được công việc với xu thế hiện nay. Bên cạnh đó, một môi trường đầu tư lành mạnh, giáo dục được tăng cường sẽ tạo ra những tác động tích cực; Qua đó, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi mà ngay cả các nhà đầu tư trong nước cũng phát triển hơn. Tạo nền tảng để thu hút FDI trong tương lai.

Thừa Thiên Huế: Phát triển chính sách thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 3.

GS. Ari Kokko khẳng định: "Một nền giáo dục có chiến lược nên là một phần không thể tách rời của kế hoạch chiến lược FDI"

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng, định hướng của các chuyên gia tại buổi tọa đàm. Với những trao đổi hôm nay đã gợi ra những ý tưởng mới cho tỉnh trong việc định hướng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư ở địa phương trong thời gian đến. Tỉnh vẫn duy trì quan điểm không đánh đổi mọi giá để kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Trong công tác kêu gọi đầu tư chúng tôi không nhất thiết phải là ngành du lịch mà đa dạng trên mọi lĩnh vực. Ngoài ra, việc nâng cao nguồn nhân lực vô cùng quan trọng, trong đó việc định hướng xu thế lao động để phù hợp trong tương lai là rất cần thiết.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.