Thừa Thiên Huế: Ngân hàng và doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Hội/CLB doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
- Thừa Thiên Huế: Định hướng chính sách phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài
- Thừa Thiên Huế: Phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ khắc phục hậu quả bom mìn
- Thừa Thiên Huế: Kết nối các hoạt động, sản phẩm để phát triển du lịch thông minh và bền vững
- Thừa Thiên Huế: 5 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2023
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Quang Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, các Hội/CLB doanh nghiệp trong tỉnh, lãnh đạo các các ngân hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã trình bày báo cáo về kết quả hoạt động ngân hàng trên địa bàn và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, đến 31/12/2022, tổng vốn huy động đạt 60.457 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2021; dư nợ cấp tín dụng đạt 74.273 tỷ đồng, tăng 17,36% so với cuối năm 2021, đạt 124% kế hoạch đề ra. Nợ xấu nội bảng ở mức 450 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 0,61%. Về tín dụng đối với doanh nghiệp, đến cuối tháng 01/2023, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp là 28.062 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38% tổng dư nợ. Trong đó dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.275 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,9% trong tổng dư nợ đối với doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; Thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 1990 khách hàng (trong đó có 147 doanh nghiệp).
Miễn, giảm, hạ lãi suất đối với 52.752 khách hàng với tổng dư nợ là 24.850 tỷ đồng; Thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam; Thực hiện cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hỏi sản xuất thông qua NHCSXH tỉnh cho 547 lượt lao động; Các ngân hàng đã tích cực tiết giảm chỉ phí, giảm lãi suất cho vay, giảm phí giao dịch và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; NHNN tỉnh đã thiết lập, duy trì đường dây nóng, tiếp nhận, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng khẩn trương giải quyết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng thời gian qua; đồng thời, đưa ra các kiến nghị về việc cần có cơ chế thích ứng linh hoạt, điều chỉnh một số điều kiện để tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi chính sách, nâng hạn mức cho vay và giảm lãi suất vay vốn…
Ông Phan Quý Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh năm 2023 là năm rất quan trọng trong tiến trình thực hiện mục tiêu đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đây cũng là năm mà tỉnh Thừa Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thiện các hồ sơ trình các Bộ, ban, ngành, Chính phủ. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh cam kết chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và năng lực sản xuất kinh doanh của mình, xây dựng và phát triển doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp cần vốn, trong đó chủ đạo hiện nay là vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Và thông qua hoạt động cho vay, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, ngân hàng cũng có được nguồn thu nhập đáng kể. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp luôn phải đồng hành với nhau trong quá trình phát triển.
Qua hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, hệ thống ngân hàng trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau lắng nghe, chia sẻ, nhận diện, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn về vốn mà doanh nghiệp đang còn gặp phải để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Mặt khác, các sở, ban, ngành trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh những nội dung, chương trình, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc ngành mình phụ trách và tiếp tục đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp sớm đi vào chiều sâu và đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cũng dịp này, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 với tổng số tiền 841 tỷ đồng.
Ngọc TúTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.