Thừa Thiên Huế phát triển rừng trồng bản địa và trồng cây dược liệu

Địa phương
09:21 PM 20/02/2024

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Hoàng Hải Minh đã có buổi khảo sát, kiểm tra một số rừng trồng bản địa và trồng cây dược liệu của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ. Cùng đi còn có lãnh đạo Sở NN&PTNN, lãnh đạo huyện Phong Điền.

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ, trong năm 2022 và năm 2023, từ nguồn vốn đầu tư trồng rừng thay thế, nguồn thu hợp pháp của đơn vị, nguồn tài trợ, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ đã đầu tư trồng được 530 ha rừng bản địa, trong đó tại khu vực xã Phong Xuân đã trồng được khoảng 450 ha rừng.

Do đó, Ban đã lựa chọn đưa vào trồng một số loài cây bản địa hiện có trong khu vực đó là Re gừng, Chò chỉ, Gáo vàng, Huỷnh, Lim xanh. Mặc dù rừng mới trồng chỉ 1, 2 năm tuổi, nhưng đã cho kết quả khả quan, cây trồng sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao, rừng trồng 2 năm tuổi có nhiều khu vực cây đã cao từ 2,5 - 3m. Dự kiến sau 3 năm sẽ khép tán, sau 5 năm đầu tư trồng và chăm sóc, tỷ lệ sống đạt trên 75%, cây rừng cao bình quân từ 4-5m, vượt tiêu chuẩn nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định

Thừa Thiên Huế phát triển rừng trồng bản địa và trồng cây dược liệu- Ảnh 1.

Hình ảnh đoàn khảo sát (Ảnh: BTTH)

Về cây dược liệu, đơn vị đã nghiên cứu, xác định phát triển cây dược liệu là một trong hướng phát triển sản xuất chính của đơn vị giai đoạn 2024-2030. Các loài cây dược liệu đơn vị dự kiến phát triển gồm: Tràm 5 gân, Tràm trà, cà gai leo, Sả Java, Sa nhân tím, Sâm Bố chính.

Cũng trong năm 2023, đơn vị đã thử nghiệm trồng 10 ha Tràm 5 gân giống của Viện giống Trung ương, 1 ha Tràm trà, 0,5 ha Cà gai leo. Dự kiến năm 2024 sẽ phát triển trồng thêm nhiều diện tích Tràm 5 gân, Cà gai leo, Sả Java.

Đồng chí Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Bồ trong việc phát triển rừng trồng bản địa và trồng cây dược liệu trên địa bàn, bước đầu đã cho thấy những hiệu quả để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Đồng chí cũng khẳng định, cây bản địa góp phần hạn chế được nhiều loại hình thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu xảy ra trên địa bàn, tạo cảnh quan thiên nhiên vì vậy thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục nhân rộng mô hình cũng như vận động người dân trồng cây bản địa góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh cũng như tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.

Để phát triển cây dược liệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho rằng, trồng cây dược liệu sẽ đem lại nguồn thu gấp 4-5 lần trồng keo, không bị gãy đổ do gió, bão, rủi ro cháy rừng rất thấp, sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên rừng. Hiện tỉnh đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân tham gia phát triển dược liệu. Trước mắt sẽ ưu tiên lựa chọn một số loại cây dược liệu, vùng trồng dược liệu; xây dựng trục văn hóa - thảo dược để phát triển các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược liệu, góp phần mang lại sinh kế bền vững cho bà con.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 38% so với năm 2019 Giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 38% so với năm 2019

Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 đã tăng. 38% so với năm 2019. Thậm chí, những dự án chung cư đã đi vào sử dụng 5 - 10 năm, những nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá lên cao