Thừa Thiên Huế: Tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong điều kiện bình thường mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
- Thừa Thiên Huế: Quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch khi có ca nhiễm mới
- Thừa Thiên Huế: Tiếp tục tăng cường lực lượng y tế vào TP Hồ Chí Minh chống dịch
- Thừa Thiên Huế: Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và HTX
- Thừa Thiên Huế: Vận dụng công nghệ số trong công tác tiếp dân
- Thừa Thiên Huế: Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII phù hợp với tình hình mới
Hội nghị do ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương, Liên minh hợp tác xã tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội bất động sản tỉnh Thừa Thiên Huế...
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã nhấn mạnh đến vị trí và tầm quan trọng của doanh nghiệp trong nền kinh tế - là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội khác. Gần đây, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và đến kinh tế - xã hội nói chung.
Đứng trước tình hình đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng Sàn giao dịch về công nghệ, Chương trình phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN tỉnh,... Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến cộng đồng doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19,....
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới,... Vì vậy mà một số doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội và quay trở lại hoạt động kinh doanh, tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế.
Mặc dù có những thuận lợi như vậy, nhưng trong tình hình hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, khi phải hoạt động trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 2525/QĐ-UBND ngày 11/10/2021.
Để cùng tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong điều kiện "bình thường mới" gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong số những nhiệm vụ thuộc kế hoạch hoạt động của Tổ công tác nói trên để có thể phần nào cùng doanh nghiệp thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đồng thời cùng các ngành tìm phương án tháo gỡ cho những khó khăn đó để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép "vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp".
Trên cơ sở ghi nhận thực trạng hoạt động của các hội, hiệp hội, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh tạo điều kiện tiêm phòng vaccine cho người lao động đặc biệt trong ngành du lịch - dịch vụ để đảm bảo thực hiện cơ chế "hộ chiếu vắc-xin", "thẻ xanh" trong thời gian tới; tiếp tục có các chính sách miễn giảm thuế, lãi suất vay vốn ngân hàng, lệ phí bến bãi, phí cầu đường bộ, phí bảo trì đường bộ… Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch trong thời gian tới.
Để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, đại diện Công ty Cổ phần Thương Mại và Đầu tư Đồng Lâm kiến nghị tỉnh triển khai nhanh chóng việc xét nghiệm, hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các doanh nghiệp có lao động được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt đồng thời thống nhất các biện pháp phòng chống dịch giữa các địa phương của tỉnh.
Trước kiến nghị đẩy mạnh đào tạo việc làm, dạy nghề cho các lao động từ vùng dịch trở về của Công ty Scavi Huế, ông Hồ Dần, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức chuyển đổi nghề nghiệp, dạy nghề và chương trình giới thiệu việc làm cho các lao động. Tuy nhiên qua khảo sát, nhu cầu ở lại làm việc của người dân vẫn chưa rõ ràng và ảnh hưởng của dịch bệnh nên các kế hoạch, chương trình vẫn chưa thể thực hiện được.
Tại hội nghị, hầu hết lãnh đạo các cơ quan, ban ngành bao gồm Công an tỉnh, Cục thuế, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế đều cho biết, trong thời gian qua đã hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn về xuất nhập khẩu, giảm mức thuế và lãi suất vay vốn, đầu tư tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh. Các cơ quan này đều thống nhất quan điểm sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã giới thiệu công cụ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 qua 3 hình thức: đường dây nóng 0234.3629999, hộp thư điện tử bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn và chuyên mục "Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế (www.thuathienhue.gov.vn). Việc tiếp nhận thông tin phản ánh được thực hiện 24/7 và sẽ được Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của tỉnh trả lời trong thời gian sớm nhất.
Sau khi tiếp nhận tình hình thực trạng, khó khăn của các doanh nghiệp và thảo luận giữa đại diện doanh nghiệp cùng các sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường tại địa phương. Vì vậy điều tất yếu hiện nay là cần thích ứng an toàn để sống chung với dịch. Để làm được điều đó, tỉnh phấn đấu đẩy nhanh công tác tiêm phòng, tăng cường độ bao phủ vaccine trong toàn dân; các doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao tinh thần phòng chống dịch để từng bước phục hồi kinh doanh, sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế bám sát các văn bản, quy định của Trung ương, của tỉnh để triển khai một cách kịp thời, nhanh nhất các chế độ chính sách ưu đãi đến các doanh nghiệp, người dân nhằm khắc phục hậu quả do Covid-19. Thông qua các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, doanh nghiệp, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao; khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh, Tổ công tác các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển; đồng thời, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp có thể phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, ngay sau Hội nghị này, UBND tỉnh yêu cầu Tổ công tác (cơ quan Thường trực là Sở Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì, phối hợp với thành viên Tổ công tác khẩn trương tổng hợp các giải pháp, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ, đồng thời xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong trạng thái "bình thường mới".
Vũ Bình
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.