Thừa Thiên Huế: Thúc đẩy nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm địa phương
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp thúc đẩy bảo hộ, quản lý và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng cho sản phẩm chủ lực của địa phương".
Thời gian qua, ngành KH&CN đã cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế từng bước triển khai khá đồng bộ các nội dung phục vụ phát triển các nhãn hiệu cộng đồng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản địa phương. Ngành đã hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản Huế, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho 4 chỉ dẫn địa lý: Tinh dầu tràm Huế, Nón lá Huế, Thanh trà Huế, Hoàng mai Huế; 8 nhãn hiệu chứng nhận: Bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, Nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố Đô về KHCN, Hương xưa làng Cổ Phước Tích, Chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn, Huế Kinh Đô ẩm thực và 74 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản, chủ lực như mè xửng Huế, Đúc đồng Huế, Sen Huế, Rau má Quảng Thọ, Đệm bàng Phò Trạch...
Tỉnh đang làm thủ tục bảo hộ nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm mang thương hiệu "Huế" nổi bật như "Nhà rường Huế" và "Huế Kinh đô áo dài", "Du lịch chợ Đông Ba - Huế"...
Với số nhãn hiệu được bảo hộ, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Thừa Thiên Huế đứng ở top 7 tỉnh, thành có số lượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được cấp văn bằng bảo hộ nhiều nhất cả nước.
Tại hội thảo, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá cao nỗ lực này của tỉnh. Tuy vậy, theo đánh giá chung, thành phần các chủ thể tham gia đứng tên chủ sở hữu, quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể rất đa dạng như HTX, tổ hợp tác, hội nghề, hội nông dân, hội phụ nữ..., nên phải thực hiện kiêm nhiệm, dẫn đến thiếu nguồn lực để tổ chức tốt việc quản lý và phát triển nhãn hiệu. Năng lực, vai trò tổ chức quản lý, phát triển thương mại, tham gia trực tiếp vào các kênh phân phối còn hạn chế, thiếu tính liên kết cộng đồng trong sản xuất…
Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho rằng, qua thực tế, việc bảo hộ và khai thác các nhãn hiệu cộng đồng đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, dịch vụ du lịch mới chủ yếu ở bước xác lập, tạo dựng. Trong khi việc phát triển, quản lý tài sản trí tuệ còn nhiều khó khăn. Các cơ sở, HTX sản xuất đặc sản địa phương, các hội nghề nghiệp trực tiếp quản lý các nhãn hiệu cộng đồng chưa quan tâm, đầu tư trong việc phát triển thương hiệu đã xây dựng, chưa ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, sử dụng có hiệu quả nhãn hiệu.
Một số chuyên gia, diễn giả, nhà quản lý tham vấn tại hội thảo đều cùng quan điểm. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tài sản trí tuệ cho rằng cần các giải pháp thúc đẩy bảo hộ, khai thác và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP kết hợp với phát triển văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của cố đô Huế.
Trong thời gian tới, các ngành, đơn vị, địa phương cần liên kết để phát triển các nhãn hiệu cộng đồng thông qua các cơ hội đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm truyền thống Huế, các đặc sản của Huế, thực thi những chính sách giải pháp hỗ trợ để phát triển các loại hình sản xuất mới, tăng trưởng xanh và bền vững, trải nghiệm các ngành nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc trưng Huế, văn hóa Huế…
Văn QuyềnVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.