Thừa Thiên Huế: Xác lập hai kỷ lục đối với tháp Chăm Phú Diên
Tháp Chăm Phú Diên được Liên minh kỷ lục thế giới (WorldKings) xác lập kỷ lục thế giới với tiêu chí "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".
Trong khuôn khổ Tuần lễ Festival Huế 2022, Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức công bố kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới đối với Tháp Chăm Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tại đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam đối với "Tháp Chăm Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam"; Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) quyết định xác lập kỷ lục thế giới với tiêu chí "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".
Tham dự lễ công bố có đồng chí Nguyễn Văn Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ; đồng chí Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, cùng lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh và các ban, ngành tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngày 18/4/2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, nhóm công nhân khai thác khoáng sản titan trong khi đang làm việc đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7 m so với mặt đất. Sự việc được kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
Ngay sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Bảo tàng Tổng hợp (nay là Bảo tàng Lịch sử) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này. Việc phát hiện Tháp Chăm Phú Diên dưới lòng cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Quá trình khai quật, người ta còn tìm thấy ở đây một số đồ tế tự như hộp gốm, chân đèn… Kết quả phóng xạ carbon cho thấy tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VIII, thuộc một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam. Giới nghiên cứu nhận định, tháp Chăm này nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai… Đây chính là vùng đất thuộc đất Chămpa và trở thành đất Đại Việt trong sự kiện vua Chămpa Chế Mân dâng Châu Ô và Châu Rí để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân.
Tháp Chăm Phú Diên được vùi sâu dưới lòng cát từ 5-7m, thấp hơn mực nước biển hiện tại và có vị trí khá gần mép nước biển nên được gia cố xung quanh rất chắc chắn bằng bê tông để ngăn tình trạng cát lún. Ngoài ra, vì để chống sự xuống cấp của công trình bởi ánh nắng trực tiếp từ khi lộ thiên, Tháp Chăm cũng được bảo vệ bằng lớp kính dày xung quanh.
Tháp Chăm Phú Diên đã hiện diện trên bản đồ du lịch địa phương, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nổi tiếng về một địa điểm độc đáo... là cơ sở, tiềm năng để phát triển du lịch. Từ giá trị vật chất đến giá trị tinh thần, từ công trình kiến trúc đến văn hóa tâm linh… đều là những tiềm năng có thể khai thác phục vụ cho hoạt động văn hóa, du lịch.
Với những giá trị lịch sử nói trên, ngày 28/12/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định xếp hạng Tháp Chăm Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. Và ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là "Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam". Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”./.
Quốc Việt - Văn QuyềnNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".