Thức ăn chăn nuôi sẽ còn 2 đợt tăng giá trước khi ổn định
Dù giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới giảm mạnh, song Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) sẽ còn 2 đợt tăng nữa với tổng mức tăng khoảng 5% trước khi đi vào ổn định.
Theo Cục Chăn nuôi, sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt trên 10 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, thức ăn cho lợn 5,1 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ 2020, thức ăn cho gia cầm đạt 4,6 triệu tấn, giảm gần 10%.
Trong tháng 6/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm so với tháng 5/2021. Cụ thể, giá ngô giảm 5,2%; khô dầu đậu tương giảm 2,5%; cám mì giảm 2,6%; DDGS giảm 1,0%. Tuy nhiên, giá TĂCN thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5/2021.
Những ngày đầu tháng 7/2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục xu hướng giảm. Trong đó, ngô giảm thêm 2%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, DDGS giảm 1,9%. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6/2021 (mức tăng từ 1,7 - 2%).
Sở dĩ giá nguyên liệu giảm trong khi thức ăn thành phẩm lại tăng theo lý giải của các doanh nghiệp do hiện đơn vị vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước. Trao đổi với báo chí, ông Dương Tất Thắng - Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết: “Xu hướng giá TĂCN sẽ còn tăng khoảng 5% trong tháng 7/2021, các doanh nghiệp lấy lý do nguyên liệu TĂCN hạ nhưng chưa về đến kho của doanh nghiệp".
Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. Trong đó, ngô hạt 7.616 đ/kg (tăng 35%), khô dầu đậu tương 13.091đ/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đ/kg (tăng 46%), cám mì 6.716 đ/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994 đ/kg (tăng 19,2%)...
Lý giải về nguyên nhân khiến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 gồm có 3 lý do cơ bản:
Thứ nhất do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao bởi chi phí sản xuất tăng vọt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước khiến giá tăng vượt mọi dự báo.
Thứ hai do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TĂCN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường).
Thứ ba, tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 trở lại đây tại một số tỉnh của Brazil làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ của nước này, trong khi Brazil là một trong những nước xuất khẩu ngô và đậu tương có sản lượng tốp đầu thế giới.
Các chuyên gia dự báo, thời gian tới, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính trước khi quay đầu giảm có thể sẽ tiếp tục tăng khi các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến, đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự kiến có 2 lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5%.
Cục Chăn nuôi cho biết sẽ tiếp tục theo dõi để có những chỉ đạo, dự báo thị trường nguyên liệu TĂCN, thị trường thịt lợn, gia cầm phù hợp và sát thực tế hơn để bà con có định hướng phát triển phù hợp với thực tế. Việc chuyển đổi sang nuôi gia súc ăn cỏ như bò, trâu, thỏ, dê hay trồng nguyên liệu TĂCN ví dụ như ngô sinh khối cũng là những định hướng quan trọng đối với các nông hộ.
Huyền My (T/h)Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.