Thức ăn chăn nuôi tăng giá, người nông dân gặp khó

Đầu tư và Tiếp thị
04:09 PM 14/05/2021

Trong khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh thì việc thức ăn chăn nuôi tăng giá càng khiến cho người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ hàng loạt.

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá lợn trong nước thấp và nhu cầu tiêu thụ yếu do đại dịch COVID-19 bùng phát khiến các hoạt động ăn uống va du lịch bị giới hạn, trong bối cảnh nhiều địa phương tiếp tục tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi và thị trường được bổ sung lượng thịt lợn nhập khẩu trong thời gian qua.

Thức ăn chăn nuôi tăng giá, người nông dân lỗ nặng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. Hiện giá lợn hơi ở mức giá thấp nhất trong một năm qua. Trong phiên giao dịch sáng ngày 14/5, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 64.000-69.000 đồng/kg. Ở TP Hà Nội, giá lợn hơi giảm xuống ở mức 67.000 đồng/kg. Hiện, miền Bắc là khu vực có giá lợn hơi thấp nhất cả nước. Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, mức giá trong khoảng 67.000 - 75.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá thịt lợn từ 67.000 - 71.000 đồng/kg.

So thời điểm này năm ngoái, giá lợn hơi trên cả nước giảm từ 23.000 – 26.000 đồng/kg. Ở một số nơi, giá lợn thời điểm đó cán mốc 100.000 đồng/kg, mức giảm còn lên đến 30.000 đồng/kg. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 5-6 đợt, với mức tăng trung bình quân trong 6 tháng qua lên đến 30-35%. Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 80-85% trong giá thành chăn nuôi. Do vậy, giá thịt lợn hơi giảm trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chóng mặt trong nhiều tháng qua, khiến không ít nông dân thua lỗ, phải bỏ chuồng không dám tái đàn như mọi năm.

Theo ông Trọng, với giá thịt lợn ở mức dưới 70 nghìn đồng, chỉ có DN chăn nuôi mới có lãi bởi họ chủ động được tất cả các khâu, còn người nông dân hầu như không có. Ông Trọng phân tích: Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 25-30% đã đẩy phần này chiếm đến 60-65% giá thành sản xuất, chưa kể con giống cũng tăng từ 1,5-2 triệu đồng/con (cao hơn từ 15-20 nghìn đồng/kg so với DN khép kín). Tính ra giá bán đã không đủ bù chi phí khiến nông dân càng nuôi, càng lỗ.

"Vào lúc này, nông dân chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi. Nếu có thể, giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp, giảm sử dụng ngô trong chăn nuôi – vì những thức ăn này đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như sắn, gạo, cám… có giá mua thấp hơn" ông Trọng khuyến cáo.

Huyền Thương (T/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.