Thúc đẩy đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”

Sự kiện
05:24 PM 07/08/2020

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, thường được biết đến với tên gọi “Đề án 844”, là một trong những đề án đầu tiên đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ Việt Nam về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hoạt động truyền thông 

Được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt vào ngày 18/5/2016, Đề án 844 có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tính đến nay, Đề án 844 đã lựa chọn 13 dự án truyền thông. Truyền thông mối quan hệ tương hỗ giữa doanh nghiệp lớn, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Truyền thông nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế; đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng tờ rơi, sổ tay pháp lý khởi nghiệp trong 08 lĩnh vực, xây dựng video/ sử dụng kỹ thuật mô hình trình bày nội dung pháp lý dễ hiểu và dự kiến phát sóng chuyên đề "Pháp luật và doanh nghiệp khởi nghiệp" trên VOV, VTV… Một số dự án tiêu biểu như Lễ vinh danh Startup Việt 2018 được tổ chức bởi Báo điện tử VnExpress dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thu hút 400 hồ sơ đăng ký; Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam với chương trình "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế…

Thúc đẩy đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” - Ảnh 1.

Tác động của Đề án

Số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày càng tăng cao. Hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng có những bước tiến đáng kể trong năm 2018. Hành lang pháp lý đang dần được hình thành và hoàn thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của cả cộng đồng khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Các liên kết, hợp tác, tìm kiếm đầu tư liên tục được tăng cường triển khai trong suốt năm 2018. Các thương vụ đầu tư trị giá hàng chục triệu đô-la đã là những điểm sáng lớn, nâng cao vị thế của thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước có sự tăng trưởng cao và bài bản hơn so với những năm trước. Số lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự tăng trưởng ở cả khu vực tư nhân lẫn khu vực công lập, hoạt động tích cực trong tìm kiếm các doanh nghiệp để hỗ trợ, đầu tư.

Bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài có hoạt động tích cực tại Việt Nam đã có những quỹ đầu tư thành lập trong nước. Một số tập đoàn lớn cũng đã tham gia đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam. Cùng với sự bùng nổ của cơ sở vật chất dành cho khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là các khu làm việc chung (co-working space), nhân lực hỗ trợ khởi nghiệp đã bước đầu hình thành, hoạt động và có sự liên kết cao của các huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp chuyên nghiệp. Từ phía cơ quan quản lý, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cũng tiếp tục tăng cường hỗ trợ, kết nối, đổi mới phương thức làm việc, phương thức hỗ trợ. Điển hình có thể kể tới một số sáng kiến như: Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và vận hành; Cổng thông tin khởi nghiệp StartupCity.vn của UBND Thành phố Hà Nội; Tuần lễ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (WHISE) do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Tổ chức 33 khóa học lý thuyết, thực hành, buổi tập huấn, trải nghiệm thực tế, ghép cặp giữa cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp và nhóm cá nhân khởi nghiệp tiêu biểu như Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tổ chức thành công 05 khóa đào tạo khởi nghiệp cho giảng viên và sinh viên, phụ trách lớp học là giảng viên từ chương trình IPP cùng các chuyên gia khởi nghiệp có uy tín. Đồng thời liên kết với Đại học Doublin (Inovation Academy, UCD Doublin – Ireland) tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động tư vấn và đào tạo cho các nhóm khởi nghiệp của nhà trường. BK Holdings đã tổ chức 06 khóa đào tạo cơ bản và 02 khóa đào tạo nâng cao về cố vấn khởi nghiệp...

Ngoài ra, một chủ thể đóng vai trò khá quan trọng trong một hệ sinh thái khởi nghiệp đó là các nhà đầu tư cá nhân, vì chính họ sẽ đầu tư và tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian còn non trẻ, trước khi các doanh nghiệp đạt được doanh thu, và gọi được các nguồn vốn đầu tư khác. Vì vậy, Đề án đã giao nhiệm vụ cho những đơn vị có năng lực như công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings), công ty Color Pencils, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) tổ chức 12 khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực đầu tư của 300 cá nhân, nâng cao kiến thức về tài chính, gọi vốn đầu tư và chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy liên kết và hoạt động tương tác giữa nhà đầu tư, nhà tư vấn doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm tăng số lượng và chất lượng các thương vụ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt nam.

Mục tiêu hướng đến là phải hình thành và xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự có chất lượng, giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là cụ thể hoá các chính sách của nhà nước cho các đối tượng khởi nghiệp phù hợp, giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh phát triển trên thị trường…

Luật gia Đỗ Minh Chánh
Ý kiến của bạn