Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu

Đầu tư và Tiếp thị
01:02 PM 21/12/2020

Giữa những bất ổn của thương mại toàn cầu và khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây nên, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực Á - Âu vẫn có mức tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh toàn cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á- Âu tổ chức tại Hà Nội.

Tận dụng lợi thế liên khu vực

Khu vực Á - Âu là một liên khu vực có diện tích địa lý rộng lớn với khoảng 23 triệu km2 và dân số khoảng 400 triệu người, bao gồm những quốc gia là thị trường xuất khẩu truyền thống và quan trọng của Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực này trong thời gian dài đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân các nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau.

Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã được đào tạo tại các nước Đông Âu, các nước Trung Á và nhiều người trong số họ đang giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy nhà nước, cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu - Ảnh 1.

Diễn đàn hợp tác thương mại với các đối tác khu vực Á - Âu tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Trương Hưng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: "Đây là tài sản vô giá của tình hữu nghị, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Á - Âu"

Hiện nay, trong số 27 nước đối tác của Việt Nam tại khu vực Á - Âu, 11 nước đã tham gia vào Liên minh châu Âu (EU) và 5 nước đang trong quá trình gia nhập EU; 5 nước (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgzstan) đã thiết lập Liên minh Kinh tế Á - Âu. Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do với EU và Liên minh kinh tế Á - Âu.

Ngoài ra, giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khuôn khổ pháp lý vững chắc để phát triển hợp tác song phươngng, bao gồm 14 ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp và 1 cơ chế Tham vấn hợp tác kinh tế song phương. Do vậy, có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam đang có những tiền đề thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn thương mại với các nước trong khu vực này, tận dụng những lợi thế về bổ trợ kinh tế, cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

Thách thức và cơ hội

Mặc dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid- 19, kim ngạch thương mại với khu vực Á – Âu, trong 10 tháng năm 2020 cho thấy đây vẫn là khu vực tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam, với tổng kim ngạch hai chiều đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%.

Trong đó, xuất khẩu đạt 7,18 tỉ USD tăng 16,15%; nhập khẩu đạt 3,16 tỷ USD tăng 22,35% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, nếu tính trên tổng kim ngạch nhập khẩu của khu vực khoảng 1.400 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm thị phần chỉ đạt 0,5%, cho thấy dư địa cho hàng xuất khẩu của Việt Nam còn rất lớn.

Trong những năm gần đây quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu không ngừng phát triển. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2019 kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và các nước khu vực Á - Âu đạt 10,4 tỷ USD tăng 20,78% so với năm 2018, chiếm 2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam tăng 6,43% đạt 7,2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với tổng nhu cầu nhập khẩu khoảng 1.400 tỷ USD của các nước trong khu vực (mới chỉ chiếm 0,5% thị phần).

photo-1608518886708

May mặc, da giầy là những mặt hàng tiềm năng phát triển tại khu vực Á- Âu. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: "Ngày nay theo xếp hạng cảu Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đứng thứ 27 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu và 25 về nhập khẩu. Với một quá trình tăng trưởng ấn tượng, Việt Nam chỉ cần 7 năm để tăng kim ngạch xuất khẩu từ 200 tỷ USD (tháng 12/2012) lên đến 500 tỷ USD vào tháng 12/2019. Từ năm 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam tăng bình quân 13,5%".

Với những tiền đề sẵn có, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội dư địa lớn cho hợp tác với các nước trong khu vực Á - Âu. Theo nhận định của bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Hội nhập và Đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: "Hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước và các Đại sứ quán đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ trong công tác cung cấp thông tin thị trường cập nhật cho cộng đồng doanh nghiệp, giúp gia tăng các cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng cũng như đa dạng hóa mặt hàng. Quan trọng hơn, các thương vụ Việt Nam tại các nước chính là các cầu nối quan trọng cho xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh của Việt nam ra thế giới, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực xuất khẩu như: thủy sản, rau quả tươi, chế biến hàng điện tử, linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ và da giầy.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên của Liên minh Kinh tế Á - Âu, có thể khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít thách thức đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản. Những thách thức đó chủ yếu đến từ yêu cầu về TBT (biện pháp hàng rào kỹ thuật trong thương mại), SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật) còn thiếu minh bạch do đó khó đáp ứng. Hay quy trình thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 5 nước Liên minh Kinh tế Á - Âu. Hay các rào cản khác như giao dịch với các đối tác bạn hàng, cơ chế thanh toán không thuận tiện.

Thời gian tới, để tăng cường xuất khẩu sang thị trường khu vực Á- Âu, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, xác định các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu tại thị trường mục tiêu, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt cần nắm bắt đủ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn và dài hạn, sẵn sang cạnh tranh. Chắc chắn rằng trong tương lai, việc tận dụng hiệu quả FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu và EU cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa Việt Nam với các nước khu vực Á - Âu nói chung, khu vực Đông Âu, Trung Á nói riêng.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.