Thúc đẩy logistics xuyên biên giới, tăng giá trị xuất khẩu nông sản

Kinh doanh
08:43 AM 18/01/2024

Logistics đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, nông sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế do chi phí logistics cao và phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài. Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy logistics xuyên biên giới và tạo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến xuất khẩu.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư 13,06 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Thúc đẩy logistics xuyên biên giới, tăng giá trị xuất khẩu nông sản- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Để có thể phát triển toàn diện từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ thì việc vận chuyển, logistics nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng cao khi cung ứng ra thị trường thế giới.

Tuy nhiên, dịch vụ logistics nói chung và logistics nông nghiệp còn tồn tại nhiều hạn chế. Những tồn tại của hệ thống logistics ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản.

Tỷ lệ hao hụt và thất thoát trong chuỗi nông sản cao từ 25-30%, trong đó thủy hải sản 35%, rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Chi phí logistics chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, chiếm 23% giá thành đồ gỗ, chiếm 29% giá thành rau quả, chiếm 30% giá thành gạo. Chi phí logistics nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và cao hơn Singapore 300%. Trên tổng thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng hơn 20% GDP; trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP.

Tại hội thảo khoa học về chủ đề “Định hướng hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị nông sản”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần giảm chi phí và thời gian logistics. Logistics xuyên biên giới được coi là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Logistics xuyên biên giới sẽ tạo ra dịch vụ vận chuyển một cách tối ưu nhất về mặt chi phí, thời gian và chất lượng của hàng hóa. Thực hiện logistics xuyên biên giới, tổng chi phí dịch vụ sẽ giảm từ 5 - 8%. Ngoài ra, logistics sẽ thông qua liên kết hệ thống cảng để đưa nông sản vào sâu trong thị trường nhập khẩu và có thể tiếp cận với những phân khúc khách hàng cao hơn.

Ông Đặng Đình Long - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mega A - chia sẻ, logistics xuyên biên giới sẽ xử lý tất cả các khâu liên quan tại một điểm và điều này vô cùng quan trọng, nhất là đối với nông sản, thực phẩm đòi hỏi thời gian nhanh nhất nhằm bảo đảm chất lượng và độ tươi ngon.

Để logistics là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng dự thảo Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030."

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đề xuất thực hiện 3 dự án: Thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường bộ xuyên biên giới kết nối thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc; thiết lập chuỗi hạ tầng logistics nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tích hợp thương mại điện tử và vận tải đa phương thức; thiết lập chuỗi logistics nông, lâm, thủy sản đường hàng không kết nối thị trường ASEAN, Trung Quốc; trong đó chú trọng ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đề án sẽ giải quyết các điểm nghẽn hiện nay, góp phần khơi thông luồng xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng Lượng tiền gửi vào ngân hàng đạt hơn 13,76 triệu tỷ đồng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.