Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam qua “Đề án phát triển thị trường trong nước”

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:02 PM 29/09/2020

Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước trong giai đoạn 2014 - 2020 gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, kết nối cung cầu hàng Việt Nam.

Qua 6 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước (2014-2020) đã mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng năm, giúp phát triển thị trường trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2014-2019 tăng khá ở mức 10-12% so với năm trước.

Đề án và cuộc vận động này đã giúp duy trì, tăng tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước. Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn (từ 80% - 90%). Hệ thống phân phối đã được phát triển mạnh mẽ, không ngừng cải tiến, đa dạng hóa, từ đó mang đến một diện mạo mới cho ngành bán lẻ Việt Nam. Tính đến năm 2019, cả nước có 8.500 chợ, 1.085 siêu thị và 240 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, Đề án còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ mức 17% của năm 2015 xuống 13,96% vào năm 2019, trong khi đó, tỉ trọng của khu vực dịch vụ tăng từ mức 39,73% của năm 2015 lên 41,17% vào năm 2018 và 41,64 % trong năm 2019.

Trong tình hình hiện tại, Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã khẳng định vai trò quan trọng của thị trường trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB… đều đặc biệt đánh giá cao vai trò của thị trường trong nước tại Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng như vừa qua. Nhờ đó, hàng hóa trong nước vẫn được sản xuất, lưu thông thường xuyên, không những đủ đáp ứng cho thị trường trong nước, bảo đảm nhu cầu cho người dân mà còn xuất khẩu ra các quốc gia trên thế giới.

Đề án cũng góp phần chuyển dịch từ nhập siêu sang xuất siêu. Năm 2015, Việt Nam nhập siêu 3,2 tỷ USD, đến năm 2019, Việt Nam xuất siêu 11,12 tỷ USD.

Nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng đã có những chuyển biến đáng kể với 88% người tiêu dùng cho biết họ quan tâm đến cuộc vận động, 67% người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam qua “Đề án phát triển thị trường trong nước” - Ảnh 1.

67% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua đã và đang ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Là một quốc gia có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, Việt Nam cũng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, thu hẹp thị trường xuất khẩu. Vì vậy, giữ vững thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và là động lực để phát triển kinh tế.

Việc tiếp tục triển khai Đề án trong giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong giai đoạn mới, hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Đức Duy
Ý kiến của bạn
Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão Những lưu ý quan trọng khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão

Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.