Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam
Ngày 23/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã đồng chủ trì công bố nghiên cứu đầu tiên về các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ (DNNVV-PNLC) ở Việt Nam.
Báo cáo có tựa đề "Thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp thông qua tháo gỡ các rào cản: Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam" là ấn phẩm do ADB hợp tác với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT soạn thảo. Cuốn Sách Trắng này là sản phẩm của Chương trình "Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương (WAVES)", do Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) tài trợ.
Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định: "Các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu về phát triển bao trùm và bền vững. Chúng tôi hy vọng các phát hiện và khuyến nghị của Sách trắng sẽ là những thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức liên quan tham khảo nghiên cứu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nhân nữ phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của khu vực này; qua đó góp phần tích cực đạt được các mục tiêu về bình đẳng giới và phát triển bền vững của quốc gia".
Các DNNVV là lực lượng quan trọng của nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Năm 2020, cả nước có hơn 500.000 DNNVV, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp. Tuy nhiên, DNNVV-PNLC chỉ chiếm 20% trong số đó, một con số không tương xứng. Do đó, báo cáo tìm cách giải quyết sự mất cân bằng này bằng cách cung cấp bức tranh tổng quan dựa trên các số liệu thống kê chính thức và tình hình thực tiễn về tình hình hoạt động của các DNNVV-PNLC ở Việt Nam nhằm giúp định hướng chính sách thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ trong tương lai.
Ông Winfried Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB phát biểu: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo có thể là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam cũng như trên khắp châu Á và Thái Bình Dương. Đối với ADB, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền kinh tế cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu, vì vậy chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thành nghiên cứu về thúc đẩy các DNNVV-PNLC và các doanh nhân nữ ở Việt Nam".
Dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm quốc tế, Sách Trắng đưa ra các khuyến nghị giúp giải phóng tiềm năng chưa được khai phá của DNNVV-PNLC ở Việt Nam. Những khuyến nghị này bao gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách theo giới, đưa khái niệm DNNVV-PNLC vào một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, trong đó có Luật Bình đẳng giới, các biện pháp khả thi theo lăng kính giới để thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV, và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức, bao gồm thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ và các nữ doanh nhân thành công tiêu biểu.
Nhật HàTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.