Thúc đẩy tiêu dùng nội địa để duy trì đà tăng trưởng
Trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ cũng chính sách thuế quan mới thì tiêu dùng nội địa đóng vai trò như bộ đệm, là nguồn lực quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng ở mức từ 8% trong năm 2025, với kỳ vọng tiêu dùng nội địa đóng góp tỷ trọng chủ chốt, ước tính từ 60-65%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần đạt mức tăng trưởng ấn tượng 12%.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tiêu dùng nội địa đang có tăng trưởng rõ nét trong những tháng đầu năm nay. Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.708,3 ngàn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.311,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 76,8% tổng mức và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, việc chú trọng thị trường trong nước là chiến lược được nhiều doanh nghiệp hướng tới.
Hiện tại, chi tiêu của hộ gia đình chiếm tới 53-57% GDP Việt Nam, cho thấy vai trò động lực chính của cầu nội địa đối với tăng trưởng kinh tế. Tín dụng tiêu dùng được xem là đòn bẩy tài chính quan trọng, giúp các hộ gia đình có thể mua sắm, nâng cấp nhà cửa, phương tiện đi lại, đầu tư vào giáo dục… sớm hơn, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích sản xuất và các ngành dịch vụ khác.
Do đó, phục hồi niềm tin, kích cầu tiêu dùng nội địa là một trong những nội dung quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Chính vì vậy, thời gian qua, để kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công thương đã thực hiện Chiến dịch truyền thông quốc gia nhằm tăng cường các hoạt động truyền thông để khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam. Về xúc tiến thương mại, nhiều sự kiện mua sắm quy mô lớn, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, với sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, sàn thương mại điện tử và ngành dịch vụ được tổ chức...
Bên cạnh đó, thúc đẩy du lịch nội địa thông qua phối hợp với ngành du lịch để triển khai các gói khuyến mãi, kết nối trải nghiệm du lịch với các sản phẩm và dịch vụ địa phương, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và quảng bá văn hóa Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả thị trường nội địa đầy tiềm năng với 100 triệu dân, doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ về chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu uy tín.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tính đến cổ phần hóa và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ với nhà đầu tư và nâng cao hình ảnh thương hiệu thông qua các hoạt động truyền thông cũng đóng vai trò then chốt.
Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc thu hút các thương hiệu Việt uy tín sẽ giúp tăng cường sự chú ý của người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Doanh nghiệp cũng cần đặt khách hàng làm trung tâm, nâng cao trải nghiệm mua sắm để tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường "sân nhà".
Cùng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng Việt Nam đang sở hữu một thị trường hấp dẫn nhưng chính sách thị trường trong nước chưa được quan tâm đúng mức. GS. Nguyễn Mại nhận định, cách tiếp cận "ưu tiên hàng Việt Nam" theo kiểu cũ đã không còn phù hợp. Thay vào đó, cần khuyến khích sản xuất hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý phục vụ chính người tiêu dùng Việt.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, cần nhấn mạnh vào những đặc thù của sản phẩm, dịch vụ trong nước.
GS. Nguyễn Mại đề xuất nhiều giải pháp để phát triển thị trường nội địa bền vững như đổi mới thể chế, luật pháp liên quan đến thị trường, đổi mới chính sách có liên quan đến thị trường. Các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu và dự báo thị trường. Doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng hình ảnh và thương hiệu mạnh mẽ và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu và tăng cường đầu tư vào R&D và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên không chỉ giúp thị trường trong nước trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
An Mai (t/h)
Đây là nội dung Nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi, mức hỗ trợ đặc thù nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên địa bàn thành phố Hà Nội.