Thúc đẩy tổng cầu là chìa khoá để tăng trưởng kinh tế bền vững
Việc thúc đẩy tổng cầu là chìa khoá để thúc đẩy nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.
Đó là nhận định của GS TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong báo cáo “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023” tại hội thảo khoa học quốc gia "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và Triển vọng năm 2024".
Thế nhưng, năm 2023, sự suy giảm tổng cầu khiến tăng trưởng của Việt Nam khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua, trừ hai năm chịu tác động của dịch COVID-19. Đây là phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế do tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Theo ông Thành, tổng cầu suy giảm do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).
Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022; thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.
Số liệu của năm 2023 cho thấy, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.
Do đó, trong năm 2024, các yếu tố đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa.
Ông Thành khuyến nghị, để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.
Đặt đúng khu vực tư nhân là động lực quan trọng bằng việc: Tạo môi trường đầu tư thuận lợi; Hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng, công nghệ mới và giảm thiểu tối đa thuế và các loại phí.
Theo ông Thành, Chính phủ cần kích thích tiêu dùng tư nhân bằng việc ổn định vĩ mô, điều chỉnh thuế thu nhập, tăng tính lành mạnh các thị trường tài sản và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng khu vực FDI để đẩy mạnh xuất khẩu cũng là giải pháp cần chú trọng.
Tuy nhiên, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất. Chính sách tiền tệ cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải thiện thủ tục để tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với khu vực đầu tư tư nhân, chuyên gia khuyến nghị.
Về tiêu dùng cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm ở cả khu vực chính thức và phi chính thức; Nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu và tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu.
Theo ông Thành, nếu chúng ta quản lý tốt được tổng cầu thì vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao mà không gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, dẫn đến sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập/chi tiêu của người dân…
Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Minh An (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.