Thực thi ESG là nhiệm vụ cấp bách của ngành ngân hàng
Ngành ngân hàng Việt Nam là lĩnh vực có vai trò huyết mạch của nền kinh tế, do vậy việc tiên phong trong thực thi ESG sẽ tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.
Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn tiên phong đi đầu trong việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG.
NHNN đã có nhiều giải pháp, định hướng, hướng dẫn, chỉ đạo liên quan tới nội dung ESG trong hoạt động ngân hàng như: Ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng (Chỉ thị số số 03/CT-NHNN); phê duyệt Đề án phát triển Ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 07/8/2018), Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 1408/QĐ-NHNN), Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020); ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 về quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, có hiệu lực từ 01/6/2023 triển khai Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với ngành ngân hàng, việc tăng cường áp dụng ESG đòi hỏi các TCTD phải thực thi, tuân thủ và cập nhật liên tục những thay đổi trong quy định và chính sách để thể hiện tốt trách nhiệm với môi trường và xã hội. Mặt khác, thực hành các tiêu chuẩn ESG sẽ giúp nâng cao uy tín, thương hiệu của TCTD thông qua việc công bố và minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị, môi trường và xã hội.
Thêm vào đó, rủi ro về môi trường và xã hội không đứng độc lập hay tách biệt, mà còn liên đới tới các rủi ro của TCTD (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng...), do vậy việc thực hành ESG sẽ giúp các TCTD cải thiện hiệu quả quản trị rủi ro, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động và lợi nhuận. Đồng thời, khi áp dụng ESG, các TCTD có cơ hội mở rộng thị trường, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức tài chính quốc tế, phát triển các sản phẩm tín dụng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng ban chỉ đạo ESG, Ngân hàng Agribank cho biết, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế trước đây khi xếp hạng tín nhiệm ngân hàng chỉ đánh giá liên quan đến về việc hoạt động kinh doanh, không xem xét đến báo cáo phát triển bền vững. Nhưng trong 2 năm gần đầy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã có đánh giá riêng, độc lập về báo cáo phát triển bền vững.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai ESG trong ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, như với Moody, tổ chức này xếp hạng từng yếu tố E, S, G với từng ngân hàng tại Việt Nam. Xếp hạng tín nhiệm có tốt đến đâu nhưng ESG xếp hạng thấp thì ngân hàng sẽ bị kéo tụt kết quả xếp hạng tín nhiệm xuống,
Việc các ngân hàng triển khai ESG sẽ góp phần tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ cho khách hàng để tham gia các thị trường xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, việc triển khai cho vay tín dụng xanh ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức. Theo đó, việc chưa có bộ tiêu chí xanh cụ thể khiến việc thẩm định, cấp tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ hai là những dự án xanh thường có thời hạn dài, nguồn vốn lớn trong khi rủi ro cao, do đó quá trình thẩm định, cho vay phải rất kỹ lưỡng.
ESG là cụm từ viết tắt của: E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng. DN có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.
Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.