Thuế chống bán phá giá với mía đường Thái Lan tương đối hợp lý
Sau gần 5 tháng điều tra nghiêm túc, tuân thủ đúng các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Theo cơ quan chức năng, ngành sản xuất mía đường trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian qua do tác động tiêu cực từ đường mía nhập khẩu từ Thái Lan bán phá giá. Bởi vậy, Bộ Công thương đã quyết định áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan là 44,88% với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô.
Trao đổi với báo chí, theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mức thuế này khá hợp lý, chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế này. Do đó, việc này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thời gian tới
Quyết định này của Bộ Công Thương là minh chứng rõ ràng cho thấy những ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất kém, không chịu đầu tư mà chỉ đi xin cơ chế lâu nay vẫn áp vào ngành mía đường là không đúng.
Quyết định tạm thời áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía Thái Lan được kỳ vọng sẽ chặn đứng đà lao dốc của ngành mía đường, đồng thời mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp và người nông dân.
Nhờ tác động của việc đánh thuế đường nhập khẩu bán phá giá, vừa qua một số nhà máy đã tăng giá mía từ 200 nghìn đồng/tấn lên khoảng 1 triệu đồng/tấn. Đây được đánh giá là động thái kịp thời để hỗ trợ người nông dân yên tâm mở rộng diện tích mía. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với đà này, cây mía có thể giúp người nông dân ở nhiều địa phương ổn định thu nhập cho gia đình và sẽ tránh được tình trạng phải giải cứu như nhiều loại nông sản khác.
Nhưng, thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời không thể cứu ngành mía đường nếu các doanh nghiệp không tự thân chuyển đổi. Về lâu dài, các doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, liên kết để tăng cường nội lực.
Cách đây vài ngày, ông Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam - đã chỉ ra một số vấn đề mà ngành mía đường đang phải đương đầu trên báo Hải Quan, gồm: Giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống khiến nông dân không còn mặn mà; canh tác nhỏ lẻ, manh mún, quá trình sản xuất chưa được cơ giới hoá nên khả năng khai thác còn yếu...
Theo ông Nam, ngành mía đường cần một chiếc lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, nếu nhà máy sản xuất đường được trang bị công nghệ cao, công suất tốt thì có thể tập hợp các nhóm trên thành sản phẩm có giá trị, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho cây mía cũng như củng cố thu nhập cho người nông dân.
Dương Dương (tổng hợp)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.